Tổng Thống Barack Obama tuần qua kêu gọi “phục hưng ngành sản xuất của Mỹ,” sẽ thay thế những nhà máy sắt thép đã đóng cửa bằng các nhà máy sản xuất kỹ thuật người máy, kỹ thuật li ti (nanotechnology) và những tiến bộ kỹ thuật cao khác.
Tổng Thống Obama ký lưu niệm lên một con robot sau khi nói chuyện
tại đại học Carnegie Mellon University ở Pittsburgh hôm Thứ Sáu. (Hình: AP Photo/Carolyn Kaster)
Ông Obama nói sự hồi sinh này là đường lối để đất nước tạo ra những việc làm mới và duy trì khả năng cạnh tranh trong một thị trường toàn cầu, nơi các quốc gia khác đang thực hiện những bước dài. Lên tiếng tại đại học Carnegie Mellon University ở Pittsburgh, một thành phố đã bị thiệt hại nặng nề vì sự suy sụp trong các lãnh vực sản xuất truyền thống như sắt thép, ông Obama kêu gọi có một nỗ lực chung của kỹ nghệ, các trường đại học và chính quyền liên bang để giúp Hoa Kỳ trở lại địa vị lãnh đạo trong ngành sản xuất tân tiến.
“Chúng ta chưa cạn những thứ phải làm, chúng ta phải tiếp sinh lực cho khu vực sản xuất của chúng ta để nó dẫn đầu thế giới như trước đây, từ ngành sản xuất giấy và thép và xe hơi cho tới các sản phẩm mới mà chúng ta vẫn chưa tưởng tượng ra,” ông Obama nói tại Trung Tâm Thiết Kế Kỹ Thuật Người Máy Quốc Gia của Carnegie Mellon. “Ðó là phương cách chúng ta sẽ củng cố các kỹ nghệ hiện hữu, đó là đường lối mà chúng ta sẽ khởi động các kỹ nghệ mới,” ông nói. “Ðó là đường lối để chúng ta tạo ra việc làm, phát triển giai cấp trung lưu và nắm vững tư cách lãnh đạo kinh tế của chúng ta.” Ông Obama lên tiếng sau khi duyệt xét các dự án tại trung tâm, kể cả các người máy nhỏ có khả năng đi vào các hệ thống cống rãnh.
Sáng kiến $500 triệu mà ông loan báo cho thấy một nỗ lực khác của ông nhằm tạo thêm việc làm giữa lúc nền kinh tế chậm lại khiến sự thuê mướn giảm bớt và công chúng bớt ủng hộ ông.
Carnegie Mellon University là một trong sáu trường đại học trong một chương trình hợp tác mà chính phủ gọi là Advanced Manufacturing Partnership. Sự hợp tác cũng bao gồm 11 công ty sản xuất, trong đó có Ford Motor Co., Caterpillar Inc., Procter & Gamble Co., và Northrop Grumman Corp. Dẫn đầu các nỗ lực sẽ là ông Andrew Liveris, chủ tịch kiêm tổng giám đốc của Dow Chemical Co., và bà Susan Hockfield, chủ tịch của Viện Kỹ Thuật Massachusetts (MIT).
Kế hoạch của chính phủ bao gồm $70 triệu cho một sáng kiến về kỹ thuật người máy. Nó cũng đang chuyển hướng $300 triệu cho các kỹ nghệ an ninh quốc gia và $100 triệu cho việc nghiên cứu và huấn luyện để phát triển nhanh chóng hơn các vật liệu tân tiến với phí tổn thấp. Một phần của số tiền $500 triệu sẽ tới từ các ngân khoản hiện dành cho các cơ quan chính phủ, nhưng số tiền khác sẽ đòi hỏi sự chấp thuận của Quốc Hội, nơi các đảng viên Cộng Hòa đang chú trọng nhiều hơn vào sự cắt giảm chi tiêu thay vì chấp thuận các sáng kiến mới của chính phủ.
Sáng kiến mà ông Obama loan báo hôm Thứ Sáu là sản phẩm của Hội Ðồng Cố Vấn về Khoa Học và Kỹ Thuật của tổng thống. Trong một báo cáo được công bố hôm Thứ Sáu, hội đồng cảnh cáo rằng tư cách lãnh đạo của Hoa Kỳ trong lãnh vực sản xuất đang lâm nguy. Hội đồng nói Hoa Kỳ đang thua kém các nước khác về nghiên cứu và phát triển liên quan đến sản xuất. Ðiều quan trọng hơn cả, hội đồng ghi nhận, là Hoa Kỳ đang mất khả năng cạnh tranh trong việc sản xuất các sản phẩm được sáng chế tại Hoa Kỳ, kể cả các máy điện toán xách tay, màn hình mỏng và pin lithium.