Với mức tăng trưởng GDP 3,7% trong quý II, các chuyên gia cho rằng kinh tế Mỹ đang hồi phục ổn định hơn là bùng nổ.
Việc điều chỉnh tăng trưởng GDP quý II cao hơn số liệu ban đầu cho thấy kinh tế Mỹ đang tăng trưởng mạnh trên hầu hết các chỉ số. Nguyên nhân chủ yếu được cho là do chi tiêu và đầu tư của cá nhân, doanh nghiệp cũng như chính phủ Mỹ cao hơn ước tính trước đó.
Sau khi nền kinh tế Mỹ tăng trưởng trở lại vào năm 2011 như thời kỳ trước khủng hoảng, các chuyên gia nhận định tốc độ hồi phục của nước này chậm hơn so với các đợt hồi phục sau khủng hoảng trước đó. Mặc dù vậy, Mỹ vẫn là một trong những quốc gia giàu nhất thế giới nếu tính theo GDP bình quân đầu người.
Nền kinh tế số 1 thế giới được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong vài năm tới với tốc độ nhanh hơn nhiều các nước Phương Tây khác. Theo bảng dưới đây, tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ ổn định trong năm nay và năm tới, trước khi giảm nhẹ vào các năm tiếp theo. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh nhất trong số các nước phát triển vào những năm tiếp theo.
Diễn biến của thị trường trái phiếu và tiền tệ cho thấy nhà đầu tư vẫn dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ nâng lãi suất bởi sự hồi phục của kinh tế Mỹ, bất chấp biến động nhẹ trên thị trường tháng 8/2015 do ảnh hưởng từ Trung Quốc.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đang ở mức thấp và lại giảm sâu thời gian gần đây do thị trường liên tục lùi dự đoán về thời điểm nâng lãi suất của FED. Đồng USD tiếp tục dẫn đầu mức tăng của các đồng tiền chủ chốt do nhà đầu tư dự đoán dù FED tạm hoãn nâng lãi suất thì ngân hàng trung ương này vẫn sẽ dẫn đầu trong việc thắt chặt tiền tệ trên thế giới.
Do USD được coi như một đồng tiền dự trữ chủ chốt nên đồng tiền này tăng đã ảnh hưởng đến thị trường tài chính thế giới. Những quốc gia có tỷ lệ nợ bằng đồng USD cao gặp phải khó khăn trong thanh toán nợ, còn các nước phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa cũng bị ảnh hưởng do giao dịch hàng hóa bằng đồng USD. Câu hỏi nhiều chuyên gia đặt ra hiện nay là liệu đồng tiền này đã đạt đỉnh hay sẽ tiếp tục tăng tiếp? Hiện vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Tăng trưởng của thị trường lao động đã là tâm điểm tranh luận cho việc nâng lãi suất của FED trong năm nay. Theo lý thuyết, khi nền kinh tế có tỷ lệ thất nghiệp rất thấp, mức lương sẽ được tăng và lạm phát cũng lên theo để đạt mức mục tiêu 2% của FED. Nếu đạt được mục tiêu này, khả năng FED nâng lãi suất sẽ cao hơn.
Xu hướng tăng trưởng chung của thị trường lao động Mỹ là rất rõ ràng. Khu vực kinh tế tư nhân đã tạo thêm hơn 13 triệu việc làm trong 66 tháng qua, khoảng thời gian tăng trưởng dài nhất trong lịch sử.
Dự đoán của FED cho thấy tỷ lệ thất nghiệp dài hạn của Mỹ sẽ vào khoảng 5-5,2%. Những ước tính mới đây nhất cho thấy con số này chỉ tăng rất nhẹ so với dự đoán trên.
Tuy nhiên, mức tăng lương tại Mỹ lại khá chậm. Thu nhập hộ gia đình tại đây chỉ tương đương so với thập niên 90 và bất bình đẳng thu nhập đang nhanh chóng trở thành vấn đề chính trị lớn tại Mỹ.
Tia tăng năng suất là một trong những cách hiệu quả để nâng cao mức sống người dân, đặc biệt là trong tình hình các nước phát triển và một số nền kinh tế mới nổi có dân số già đi cũng như tỷ lệ nghỉ hưu ngày càng tăng. Thị trường Mỹ cũng không ngoại lệ khi tăng trưởng năng suất của quốc gia này giảm tốc đáng kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Những số liệu mới đây cho thấy năng suất của Mỹ đã đi ngang, nhưng các chuyên gia kinh tế không đồng ý với số liệu này do cho rằng còn nhiều bất cập khi tính toán trong ngành đầu tư hay công nghệ. Mặc dù đã có những dấu hiệu hồi phục thời gian gần đây nhưng năng suất lao động Mỹ vẫn chưa cải thiện một cách rõ ràng.
Hàng loạt yếu tố như giá dầu giảm và đồng USD tăng giá đã làm giảm chi phí nhập khẩu, khiến tỷ lệ lạm phát ở mức thấp gần 0% từ đầu năm đến nay. FED cho biết họ cần thấy khả năng lạm phát sẽ tăng lên mức mục tiêu 2% trước khi quyết định tăng lãi suất.
Theo số liệu mới nhất, tỷ lệ lạm phát tại Mỹ trong tháng 7/2015 ở mức 0,2%. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát cơ bản, không tính giá thực phẩm và năng lượng, cũng giảm thời gian gần đây.
Thị trường lao động Mỹ có mức tăng trưởng dài nhất trong lịch sử và tỷ lệ thất nghiệp cũng ở mức thấp. Với giả thiết số việc làm tăng sẽ thúc đẩy mức lương và lạm phát, FED đang xem xét tăng lãi suất để giữ tỷ lệ lạm phát ở mức vừa đủ và cân bằng nền kinh tế.
Hiện mức lãi suất trần là 0,25% được FED ấn định kể từ năm 2008, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra. Mặc dù lãi suất có khả năng tăng nhưng nhiều chuyên gia nhận định tỷ lệ này khó có thể quay lại như mức trước cuộc khủng hoảng 2008.
Lãi suất cho vay thế chấp bất động sản tại Mỹ vẫn chưa hồi phục được như các thị trường khác trên thế giới. Tuy nhiên, việc lãi suất cho vay thế chấp thấp bất đọng sản cũng là một yếu tố thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và mua nhà trên thị trường Mỹ.
Thị trường lao động Mỹ tăng trưởng đã kích thích tiêu dùng của người dân Mỹ, nhưng mức lương tăng chậm đã khiến nhu cầu chi tiêu tăng không rõ rệt.
Ngoài ra, giá dầu giảm cũng khiến người Mỹ tiết kiệm được một khoản tài chính nhưng các chuyên gia đang tranh luận liệu khoản tiền này sẽ được tiết kiệm hay chi tiêu. Doanh số bán lẻ tăng trưởng thời gian gần đây đã cho thấy người tiêu dùng Mỹ có vẻ đã quyết định chi tiêu khoản tiền này.
Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, do biến động của thị trường thời gian qua và khả năng FED nâng lãi suất, chỉ số này đã quay đầu trong vài tháng qua.
Doanh số bán nhà cũng được cải thiện trong các tháng qua do lượng việc làm gia tăng thúc đẩy nhu cầu mua nhà, nhưng số lượng căn hộ được tiêu thụ vẫn thấp hơn rất nhiều so với trước khủng hoảng năm 2008.
Theo Hoàng Nam
NDH/FT