Chứng kiến sự mất mát của người dân Huế sau những trận thiên tai hàng năm, Tô Diệu Liên và Hồ Văn Anh Tuấn nảy ra ý tưởng thiết kế và thành lập dự án nhà nổi cho vùng lũ thông qua doanh nghiệp xã hội do chính họ làm chủ.
Tuấn và Liên cùng sinh ra và lớn lên ở Huế. Từ bé, họ đã thường xuyên phải nhìn cảnh quê hương oằn mình trước những trận lũ kinh hoàng. Nhà cửa bị lũ đánh sập rồi cuốn trôi. Người dân vừa dựng nhà mới lên lũ lại tràn về, tiếp tục rơi vào cảnh mất nhà cửa lẫn vật nuôi, gia súc gia cầm, vườn tược, hoa màu cũng bị phá nát. Đau thương hơn là họ phải chứng kiến người thân bị dòng lũ xiết cuốn trôi mà bất lực.
Thực trạng này khiến hai bạn trẻ tự hứa với nhau phải có trách nhiệm thay đổi vòng luẩn quẩn do thiên tai gây ra. Mô hình cộng đồng nhà vùng lũ mang tên Maru Ichi chính là cách Tuấn thể hiện tâm huyết đó của mình trong đề án tốt nghiệp cao học ở Nhật Bản ngành kiến trúc.
Ba bạn trẻ Hồ Văn Anh Tuấn, Tô Diệu Liên và Lê Đỗ Minh, tác giả của dự án nhà nổi Maru Ichi.
Cùng với Liên, nghiên cứu sinh tại Mỹ về các chính sách ứng phó và giảm nhẹ hậu quả thiên tai của các nước, và Lê Đỗ Minh, du học sinh ngành quản lý khách sạn tại Mỹ, Tuấn thực hiện lời hứa năm xưa thông qua việc xây dựng doanh nghiệp xã hội có lợi nhuận và dùng lợi nhuận này để đầu tư vào các dự án nhằm đưa Maru Ichi đến với người dân vùng lũ.
Chia sẻ với VnExpress, nhóm cho hay Maru Ichi, sản phẩm đầu tiên mà họ phát triển, là mô hình cộng đồng nhà ở bền vững và thân thiện với môi trường dành cho người dân vùng lũ đầu tiên của Việt Nam.
Mỗi ngôi nhà trong Maru Ichi là một tế bào được thiết kế và sử dụng độc lập, đồng thời có thể di chuyển và gắn kết với các ngôi nhà khác thành một cộng đồng xanh thông qua không gian hành lang. Cư dân có thể dễ dàng sinh hoạt cộng đồng, mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ với nhau. Vật liệu thiết kế nhà là vật liệu địa phương dễ tìm như cây tràm và lá dừa nước. Mỗi ngôi nhà đều có hệ thống lọc nước sạch và tấm năng lượng mặt trời.
"Phần đông người dân vùng lũ có điều kiện kinh tế khá khó khăn, vì vậy chúng tôi đưa Maru Ichi vào thực tế bằng mô hình doanh nghiệp xã hội. Doanh nghiệp xã hội của chúng tôi sẽ vận hành song song hai hợp phần: phi lợi nhuận và có lợi nhuận", Liên cho hay. "Với hợp phần phi lợi nhuận, chúng tôi sẽ hỗ trợ 50-80% chi phí xây dựng nhà, tùy thuộc vào nguồn vốn đầu tư của dự án và điều kiện kinh tế cụ thể của các các hộ dân. Mỗi đơn vị nhà có tổng chi phí xây dựng chỉ 43-50 triệu, như vậy các hộ gia đình nghèo sẽ chỉ phải bỏ ra 8,6-25 triệu để có được một ngôi nhà an toàn, đẹp, tiện dụng và thân thiện với môi trường trong quần thể làng nổi Maru Ichi".
Hợp phần có lợi nhuận sẽ được vận hành để tạo doanh thu. Nhóm dự định sử dụng một phần tổng doanh thu từ phần này để tái đầu tư mở rộng các dự án phi lợi nhuận. Số còn lại sẽ tiếp tục được đầu tư để duy trì và mở rộng hợp phần có lợi nhuận của doanh nghiệp, nhằm tạo ra doanh thu cao hơn nữa để tiếp tục tái đầu tư.
"Mô hình làng nổi cộng sinh Maru Ichi không những giúp người dân vùng lũ có được ngôi nhà an toàn, tiện dụng, giá thành thấp và một cộng đồng xanh, sạch mà còn giúp cải thiện tình trạng ô nhiễm nguồn nước và môi trường sinh hoạt đang hết sức bức thiết tại đồng bằng sông Cửu Long", Tuấn cho biết. "Hơn thế nữa, Maru Ichi còn mở ra một tiềm năng lớn về kinh doanh du lịch, chắc chắn sẽ giúp nâng cao đời sống kinh tế của người dân trong làng nổi".
Mô hình cộng đồng nhà nổi Maru Ichi.
Nhóm hy vọng áp dụng Maru Ichi trước tiên ở đồng bằng sông Cửu Long, sau đó sẽ tiến tới nghiên cứu thiết kế và áp dụng các mô hình nhà vùng thiên tai cho các địa phương khác ở Việt Nam, đặc biệt là miền Trung, quê hương của Tuấn và Liên.
"Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là có thể giảm thiểu thiệt hại về người và của cho người dân các vùng thiên tai, trước hết là người dân vùng lũ", Tuấn nói.
Để biến ý tưởng này thành thực tế, Tuấn, Liên và Minh đã mang Maru Ichi đến với Ý tưởng Kinh doanh Thử thách Việt (Viet Challenge), cuộc thi ý tưởng kinh doanh dành cho người Việt trên khắp thế giới do hội sinh viên Việt Nam tại Mỹ phối hợp cùng mạng lưới hội sinh viên tại các nước khác trên thế giới tổ chức.
Lọt vào vòng chung kết sau khi đua tài cùng 80 đội với gần 300 thí sinh trên toàn thế giới, Maru Ichi được ban giám khảo đánh giá là một trong những ý tưởng có ảnh hưởng to lớn đến cộng đồng, dù có thể không mang lại doanh thu lớn.
5 đội còn lại góp mặt tại vòng chung kết là Biforst Biotech - thiết bị y tế hỗ trợ cột sống, EzTeam - website thương mại điện tử về nội thất, WeaveMed - sổ y bạ điện tử quốc tế, Interactive Case - phần mềm học kinh doanh chuyên nghiệp và Sugoi với mô hình ứng dụng điện thoại học tiếng Nhật.
Ban giám khảo của vòng chung kết là giám đốc tài chính chiến lược của các công ty, tập đoàn lớn tại Mỹ, những doanh nhân và chuyên gia thành đạt trong nhiều lĩnh vực bao gồm pháp luật, đầu tư.
Ngoài việc gặp gỡ các doanh nghiệp, chuyên gia trong nhiều lĩnh vực để học hỏi kinh nghiệm, cuộc thi còn là cơ hội cho các bạn trẻ Việt như nhóm Maru tiếp cận nguồn vốn để hiện thực hoá ý tưởng kinh doanh với giải thưởng chung cuộc lên tới 10.000 USD.
Vòng chung kết của Viet Challenge sẽ được tổ chức tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), thành phố Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ vào ngày 1/4.
Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Nguyễn Phương Nga sẽ có bài phát biểu mở màn trong đêm chung kết. Bên cạnh đó, bà Helen Bùi, người sáng lập và giám đốc điều hành công ty Stash-it, cựu phó chủ tịch của News Corp, một trong những tập đoàn truyền thông hàng đầu thế giới, và cựu giám đốc điều hành của tờ Wall Street Journal, cũng sẽ tham dự và có những chia sẻ với các thí sinh.
Theo Vnexpress