Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ, các thể chế tài chính ở Mỹ lại xem việc thanh toán cổ tức là tín hiệu cho giới đầu tư thấy họ đang trong thể trạng khỏe mạnh.
Citigroup, ngân hàng lớn thứ tư nước Mỹ tính theo khối tài sản. (Nguồn: Getty Images)
Khác với tình hình trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hơn 10 năm trước, khi các ngân hàng lớn của Mỹ phải cần đến sự hỗ trợ tài chính, giờ đây, trong cú sốc kinh tế chưa từng có do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, các ngân hàng này cho biết họ có đủ khả năng để tiếp tục trả cổ tức cho các cổ đông.
Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ, đặc biệt các nghị sỹ Dân chủ đang kêu gọi các ngân hàng sử dụng nguồn tiền của mình để hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh, các thể chế tài chính ở nước này lại xem việc thanh toán cổ tức là tín hiệu cho giới đầu tư thấy họ đang trong thể trạng khỏe mạnh.
Phát biểu mới đây trên kênh CNBC, ông Michael Corbat, Giám đốc điều hành (CEO) của Citigroup, ngân hàng lớn thứ tư nước Mỹ tính theo khối tài sản, cho biết ngân hàng này dự định sẽ tiếp tục chia cổ tức cho các cổ đông.
Trong bức thư gửi các cổ đông ngày 6/4, CEO của JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon cho biết ban giám đốc ngân hàng này sẽ chỉ xem xét tạm ngừng chia cổ tức trong trường hợp suy thoái nghiêm trọng, khi nền kinh tế giảm đến 35% và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 14% vào cuối năm nay.
Triển vọng kinh tế hiện không mấy khả quan, khi nền kinh tế toàn cầu gần như đã rơi vào một cuộc suy thoái sâu chỉ trong một thời gian ngắn. Tại Mỹ, chỉ trong hai tuần cuối tháng Ba đã có gần 10 triệu người đã nộp đơn trợ cấp thất nghiệp, khi các quán ăn, cửa hàng và văn phòng trên cả nước phải đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không thể phản đối các kế hoạch chi trả cổ tức của các ngân hàng Mỹ, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã cấm các ngân hàng của khối này trả cổ tức năm 2019 và 2020 cho cổ đông.
Tuy nhiên, các ngân hàng Mỹ cho rằng họ có khả năng tài chính mạnh hơn nhiều so với các ngân hàng châu Âu, và có thể vừa hỗ trợ nền kinh tế vừa trả cổ tức cho cổ đông.
Chuyên gia Gregori Volokhine của công ty dẫn số liệu cho thấy sự khác biệt này, theo đó cứ mỗi USD chi ra bởi một ngân hàng châu Âu, họ chỉ thu về 0,5 USD lợi nhuận, trong khi con số này của các ngân hàng Mỹ là 1,5 USD.
Các ngân hàng của Mỹ đã tích lũy được lợi nhuận lớn trong những năm gần đây. Năm 2019, JPMorgan Chase, thể chế tài chính lớn nhất nước Mỹ tính theo giá trị tài sản, đã ghi nhận lợi nhuận ròng lên tới 36,4 tỷ USD./.
Khánh Ly (TTXVN/Vietnam+)