Giá gỗ xẻ tương lai tại Mỹ đã tăng hơn 80% trong vòng hơn ba tháng qua, khi nhu cầu của các công ty xây dựng nhà tăng mạnh, bù đắp cho thời gian ngừng hoạt động do lệnh phong tỏa vì dịch bệnh Covid-19.
Giá vàng đang hướng đến mức kỷ lục mới và giá dầu Tây Texas (WTI) tương lai đã tăng từ -40 đô la Mỹ/thùng lên 40 đô la/thùng nhưng mặt hàng nóng nhất vào thời điểm này tại Mỹ là gỗ.
Các thợ mộc đang làm việc bên ngoài một nhà hàng ở New York, Mỹ: Ảnh: Zuma Press
Giá các sản phẩm gỗ như gỗ xẻ và gỗ dán (ván ép) đã tăng vọt trong những tháng qua nhờ nhu cầu bùng nổ của các công ty xây dựng nhà, sau khi họ phải tạm dừng hoạt động do lệnh phong tỏa và cuộc chạy đua lắp đặt chỗ ngồi ở không gian bên ngoài của các nhà hàng, quán bar để bảo đảm quy định giãn cách xã hội.
Giá gỗ xẻ tương lai ở Mỹ đã tăng hơn 80% kể từ ngày 1-4. Các hợp đồng gỗ xẻ giao tháng 7 kết thúc phiên giao dịch hôm 8-7 với mức giá 485 đô la Mỹ/1.000 broad foot (tương đương 2,36 m³), trong khi đó, các hợp đồng gỗ xẻ giao tháng 9 là 469,4 đô la/1.000 broad foot.
Cả hai mức giá này thậm chí còn cao hơn mức giá trước khi đại dịch ập đến. Thị trường xây dựng nhà ở Mỹ đang giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2006. Giá gỗ xẻ tương lai ở Mỹ hiếm khi giao dịch trên mức 450 đô la/1.000 broad foot.
“Rất nhiều nhà máy chế biến gỗ đóng cửa và chuyển sang các hoạt động bảo dưỡng vì họ dự báo nhu cầu sẽ giảm, do nhiều người dân mất việc và chi tiêu dè sẻn. Nhưng những gì xảy ra sau đó hoàn toàn đối lập”, Leroy Ball, Giám đốc điều hành Công ty Koppers Holdings, chuyên cung cấp hóa chất xử lý gỗ, nói.
Giờ đây, gỗ xẻ và ván ép đang cháy hàng ở nhiều cửa hàng trên nước Mỹ.
“Mọi người không đi du lịch. Họ ở nhà để đóng sàn gỗ, dựng hàng rào, làm giàn hoa...”, Leiby Wieder, quản lý cửa hàng gỗ xẻ Tri-State Lumber in Brooklyn, New York, nói.
Hồi cuối năm ngoái, một trung tâm nghiên cứu nhà ở thuộc Đại học Harvard dự báo chi tiêu sửa sang nhà cửa ở Mỹ sẽ suy giảm trong năm 2020 sau một thập kỷ tăng trưởng.
Tuy nhiên, mô hình dự báo của trung tâm này không thể lường trước được một đại dịch sẽ xảy ra, khiến người dân Mỹ phải ở nhà trong nhiều tháng trời. Khi người Mỹ ở nhà, các đơn hàng mua các sản phẩm gỗ tăng lên và bị dồn ứ.
Giá gỗ xẻ tương lai ở Mỹ đã tăng hơn 80% kể từ đầu tháng 4. Ảnh: WSJ
“Nhu cầu từ các khách hàng của chúng tôi bao gồm các chuỗi cửa hàng nội thất Home Depot, Lowe’s, Menards tăng mạnh chưa từng thấy và chúng tôi phải chật vật bắt kịp nhu cầu”, Michael Covey, Giám đốc điều hành Công ty chế biến gỗ PotlatchDeltic Corp, nói với các nhà đầu tư hồi tháng 6.
Ông cho biết các nhà máy chế biến gỗ của công ty ông ở bang Minnesota và bang Michigan rơi vào tình trạng căng thẳng, khi phải chạy đua với thời gian để đáp ứng thời gian giao hàng.
Ở hầu hết các bang, hoạt động xây dựng nhà cửa được xem là thiết yếu và được phép duy trì hoạt động trong thời kỳ phong tỏa. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng bị chậm lại do các quy định giãn cách xã hội và các hoạt động cấp giấy phép bị trì hoãn.
Tuy nhiên, đến tháng 5, hoạt động xây dựng nhà cửa bùng nổ trở lại. Các mức lãi suất vay thế chấp bất động sản thấp kỷ lục đã khuyến khích người dân mua nhà.
Trong khi đó, mệt mỏi với tình trạng phong tỏa, nhiều người dân đô thị tìm đến sinh sống ở các khu vực ngoại ô và điều này thu hút nhiều công ty cho thuê nhà đến đây xây dựng nhà.
Cửa hàng gỗ xẻ Tri-State Lumber ở Brooklyn đã đặt mua 5 lô hàng gỗ xẻ nhưng vẫn chưa được xác nhận ngày giao, thậm chí báo giá.
Bên cạnh hoạt động xây dựng, sửa sang nhà cửa đang bùng nổ, các nhà hàng, quán bar, quán cà phê ở Mỹ cũng chạy đua lắp đặt các chỗ ngồi ngoài hiên và vỉa hè, để tuân thủ các quy định giãn cách xã hội sau khi được phép tái mở cửa.
Leroy Ball, Giám đốc điều hành Công ty Koppers Holdings, nói rằng công ty ông và các đối thủ đang rất bận rộn khi các nhà máy chế biến gỗ hoạt động trở lại.
Lượng đơn hàng của một số khách hàng lớn nhất của Koppers Holdings đang tăng đến 40% so với năm ngoái. Thông thường, đối với Koppers Holdings, mức tăng trưởng đơn hàng 6-7% mỗi năm đã được xem là tốt.
Ông Ball nói: “Ai mà có thể đoán được tình hình này? Chúng tôi đang rối bời và tìm cách xác định xem bao nhiêu nhu cầu tăng lên trong ngắn hạn và bao nhiêu nhu cầu là bền vững trong dài hạn”.
Lê Linh - Theo Wall Street Journal