Chương 7: Các thẩm phán liên bang (Phần 2)

QUY TRÌNH TUYỂN CHỌN CỦA LIÊN BANG VÀ NHỮNG NGƯỜI THAM GIA

Khung tuyển chọn thẩm phán là như nhau đối với tất cả các thẩm phán liên bang, mặc dù vai trò của những người tham dự rất khác nhau tùy theo cấp độ của các tòa án Hoa Kỳ. Tất cả đều được bổ nhiệm bởi tổng thống sau khi tham khảo ý kiến theo đúng quy trình với đội ngũ nhân viên Nhà Trắng, văn phòng chưởng lý, một số thượng nghị sĩ và các nhà hoạt động chính trị khác. Cục điều tra liên bang (FBI), một bộ phận của Bộ Tư pháp, thường tiến hành một cuộc kiểm tra an ninh theo thủ tục. Sau khi việc bổ nhiệm được công bố công khai, các nhóm lợi ích khác nhau - những người tin rằng họ có lợi ích liên quan đối với sự bổ nhiệm này - có thể vận động để ủng hộ hoặc chống lại ứng cử viên. Tương tự, các phẩm chất và năng lực của ứng cử viên sẽ được một ủy ban của Hiệp hội luật sư Hoa Kỳ đánh giá. Tên của ứng cử viên sẽ được gửi lên ủy ban tư pháp của Thượng viện, và ủy ban này sẽ tiến hành một cuộc điều tra để xem xét xem ứng cử viên có phù hợp với vị trí này hay không. Nếu kết quả của ứng cử viên là thuận lợi, việc bổ nhiệm sẽ được đưa ra thảo luận tại cuộc họp của Thượng viện; tại đó nó sẽ được thông qua hoặc phản đối bởi một đa số đơn thuần.

Tổng thống

Về mặt kỹ thuật, tổng thống đề cử tất cả các ứng cử viên vào chức vụ thẩm phán, tuy nhiên, về mặt lịch sử, người đứng đầu ngành hành pháp thường liên quan mật thiết tới việc bổ nhiệm các thẩm phán Tòa án tối cao hơn là tại các tòa án cấp thấp hơn. Sở dĩ có tình trạng này là do hai nguyên nhân chủ yếu sau.

Thứ nhất, việc bổ nhiệm thẩm phán tại Tòa án tối cao được tổng thống - và công chúng nói chung - xem là quan trọng hơn và có ý nghĩa về mặt chính trị hơn so với việc bổ nhiệm thẩm phán tại các tòa án cấp thấp hơn. Các tổng thống thường nắm lấy những cơ hội ít ỏi của mình trong việc bổ nhiệm tại Tòa án tối cao để đưa ra một tuyên bố chính trị hoặc nêu lên tinh thần chung của chính quyền của mình. Ví dụ, trong thời kỳ nước Mỹ tập trung vào vấn đề tham gia vào Chiến tranh thế giới thứ hai, Tổng thống của Đảng Dân chủ Franklin D. Roosevelt đã bổ nhiệm Harlan Fiske Stone thuộc Đảng Cộng hòa làm Chánh án Tòa án tối cao - một biểu hiện của sự đoàn kết trong nước. Năm 1969, Tổng thống Richard Nixon đã bổ nhiệm Warren Burger, một người bảo thủ, để hoàn tất cam kết trong chiến dịch vận động tranh cử của ông về việc khôi phục “luật pháp và trật tự”. Và Tổng thống Ronald Reagan vào năm 1981 đã hy vọng giũ bỏ hình ảnh của mình như một người không đồng cảm với phong trào đòi quyền của phụ nữ bằng việc trở thành vị tổng thống đầu tiên bổ nhiệm một phụ nữ vào vị trí thẩm phán tại Tòa án tối cao.

Lý do thứ hai giải thích việc tại sao các tổng thống thường dành nhiều sự quan tâm hơn cho việc bổ nhiệm thẩm phán Tòa án tối cao và ít chú trọng hơn tới các tòa án cấp thấp chính là vì, theo truyền thống, cá nhân các thượng nghị sĩ và lãnh đạo đảng phái địa phương có thể ảnh hưởng, và thường là chi phối, việc bổ nhiệm thẩm phán tòa án cấp thấp hơn. Thông lệ được biết đến dưới cái tên “sự tham khảo ý kiến thượng nghị sĩ” là một phần của quy trình bổ nhiệm các thẩm phán hạt. Theo thông lệ này, các thượng nghị sĩ cùng thuộc một đảng chính trị với tổng thống đến từ bang của ứng cử viên sẽ được ủy ban tư pháp của Thượng viện hỏi ý kiến về ứng cử viên đó. Bằng việc trình bày quan điểm của mình về một ứng cử viên cụ thể, các thượng nghị sĩ này trên thực tế ở vào một vị trí có thể phủ quyết việc đề cử. Quy trình tham khảo ý kiến thượng nghị sĩ không được áp dụng cho việc bổ nhiệm thẩm phán tại các tòa phúc thẩm, mặc dù thông thường các tổ ng thống sẽ chiều theo ý kiến của thượng nghị sĩ đảng mình đến từ những bang có tòa phúc thẩm.

Bộ Tư pháp

Hỗ trợ cho tổng thống và đội ngũ nhân viên Nhà Trắng trong quy trình tuyển lựa thẩm phán là hai vị trí then chốt do tổng thống bổ nhiệm trong Bộ Tư pháp - chưởng lý của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và phó chưởng lý. Nhiệm vụ chủ yếu của họ là tìm kiếm các ứng cử viên phù hợp với những tiêu chuẩn chung do tổng thống đặt ra để bổ nhiệm vào vị trí thẩm phán liên bang. Khi đã tìm được một số người, nhân viên của Bộ Tư pháp sẽ tiến hành thẩm tra kỹ lưỡng từng ứng cử viên một. Họ có thể đề nghị FBI tiến hành một cuộc điều tra về đặc điểm, tính cách và xuất thân của ứng cử viên; họ thường đọc các bản sao của mọi bài báo hoặc bài phát biểu mà ứng cử viên đã viết hoặc đánh giá về các ý kiến được nêu ra của một thẩm phán đương nhiệm; họ có thể kiểm tra với lãnh đạo đảng chính trị ở địa phương để xác định rằng ứng cử viên là một người trung thành với đảng và có xu hướng ủng hộ những quan điểm chính sách công chủ yếu của tổng thống.

Trong trường hợp bổ nhiệm các thẩm phán tòa án hạt, khi tên của các ứng cử viên thường được thượng nghị sĩ cùng bang đưa lên, chức năng của Bộ Tư pháp thường chỉ là thẩm tra lại chứ không phải là người đề xướng. Bất kể ai là người đưa danh sách đó ra, chức năng chủ yếu của Bộ Tư pháp chỉ là đánh giá ứng cử viên về mặt tư cách cá nhân, trình độ chuyên môn, và phẩm chất và năng lực chính trị. Trong khi thực thi vai trò này, Bộ Tư pháp có thể làm việc chặt chẽ cùng với nhân viên Nhà Trắng, với các thượng nghị sĩ tham gia đề cử, và với các lãnh đạo đảng muốn tham gia góp ý cho việc lựa chọn ứng cử viên.

Các lãnh đạo đảng cấp bang và địa phương

Các lãnh đạo đảng phái khu vực hầu như không có ảnh hưởng gì trong việc bổ nhiệm thẩm phán của Tòa án tối cao, quy trình mà trong đó tổng thống có quyền chi phối, và vai trò của họ trong việc lựa chọn các thẩm phán của tòa phúc thẩm cũng hết sức khiêm tốn. Tuy nhiên, trong việc lựa chọn các chánh án tòa sơ thẩm của Hoa Kỳ, ảnh hưởng của họ là rất lớn, đặc biệt khi việc bổ nhiệm được tiến hành tại các bang mà thượng nghị sĩ của bang không thuộc cùng một đảng chính trị với tổng thống. Trong những trường hợp như vậy, tổng thống thường có xu hướng tham khảo ý kiến các lãnh đạo của đảng mình tại bang đó, chứ không tham khảo ý kiến thượng nghị sĩ của bang.

Các nhóm lợi ích

Một số nhóm gây áp lực tại Hoa Kỳ, đại diện cho toàn bộ đời sống chính trị từ tả sang hữu, thường vận động để ủng hộ hoặc chống lại việc đề cử các thẩm phán. Những nhà lãnh đạo của các nhóm này - những nhóm đòi quyền tự do công dân, doanh nghiệp, các tổ chức lao động, các nhóm dân quyền - đều không ngần ngại thúc giục tổng thống rút lại việc đề cử một người mà các giá trị về mặt chính trị và xã hội của ông / bà ta khác với họ, hoặc vận động Thượng viện ủng hộ việc đề cử người mà họ ưa thích. Các nhóm lợi ích thường vận động hành lang để ủng hộ hoặc chống lại các ứng cử viên vào chức thẩm phán tại mọi cấp tòa án của liên bang.

Hiệp hội luật sư Hoa Kỳ (ABA)

Trong hơn năm thập kỷ, ủy ban tư pháp liên bang thuộc Hiệp hội luật sư Hoa Kỳ đã đóng một vai trò thiết yếu trong việc đánh giá năng lực chuyên môn của các ứng cử viên tương lai cho chức vụ thẩm phán liên bang. Ủy ban này, với 15 thành viên đại diện cho tất cả các hạt, đánh giá ứng cử viên dựa trên ba tiêu chuẩn: khí chất của một thẩm phán, năng lực chuyên môn và tính liêm chính. Một ứng cử viên được ủy ban phê chuẩn sẽ được xếp loại là “đủ điều kiện” hoặc “rất có khả năng”, trong khi những người không được chấp nhận sẽ được phê là “không đủ điều kiện”.

Ủy ban tư pháp của Thượng viện

Theo quy định của Thượng viện, ủy ban Tư pháp của Thượng viện phải xem xét tất cả những vị trí đề cử vào chức vụ thẩm phán liên bang và đưa ra khuyến nghị cuối cùng trước toàn thể Thượng viện. Như vậy, vai trò của ủy ban này là thẩm tra các cá nhân được đề cử vào chức vụ thẩm phán, chứ không phải là nêu tên của những ứng cử viên tiềm năng. Ủy ban tổ chức các buổi điều trần về tất cả những vị trí đề cử, trong đó việc nghe các nhân chứng trình bày và thảo luận đều được tiến hành không công khai. Các buổi điều trần về việc bổ nhiệm thẩm phán hạt thường chỉ mang tính hình thức, bởi vì với mọi ý định và mục đích, quy trình tham khảo ý kiến thượng nghị sĩ đã quyết định liệu ứng cử viên có được Thượng viện chấp nhận hay không. Tuy nhiên, đối với việc đề cử các thẩm phán tòa phúc thẩm - và tất nhiên cả việc bổ nhiệm thẩm phán Tòa án tối cao - việc điều trần của ủy ban thực sự là một quy trình nghiêm túc.

Thượng viện

Bước cuối cùng trong quy trình bổ nhiệm các thẩm phán liên bang là việc có được đa số phiếu của Thượng viện. Về mặt lịch sử, có hai quan điểm chung phổ biến về vai trò được quy định của Thượng viện. Các tổng thống từ thời George Washington và một số học giả kiên trì quan điểm cho rằng Thượng viện nên lặng lẽ tán thành những sự lựa chọn của tổng thống trừ phi có những lý do mạnh mẽ khiến đa số nhất trí phản đối lại quyết định đó. Các học giả khác và đa số thượng nghị sĩ thì cho rằng Thượng viện có quyền và nghĩa vụ phải đưa ra quyết định của riêng mình liên quan tới những người được bổ nhiệm. Trên thực tế, vai trò của Thượng viện trong quy trình chấp thuận việc bổ nhiệm thẩm phán là rất khác nhau, tùy thuộc vào việc thẩm phán liên bang đang được xem xét được bổ nhiệm vào cấp tòa án nào.

Đối với các thẩm phán tòa án hạt, tiêu chuẩn về việc tham khảo ý kiến thượng nghị sĩ có vai trò quyết định. Điều đó có nghĩa là nếu ứng cử viên mà tổng thống nêu ra được thượng nghị sĩ cùng đảng phái với tổng thống đến từ bang mà ứng cử viên sẽ được bổ nhiệm làm thẩm phán chấp nhận, thì Thượng viện thường đồng tình với việc bổ nhiệm ứng cử viên đó. Đối với việc bổ nhiệm các thẩm phán tòa phúc thẩm, quy trình tham khảo ý kiến thượng nghị sĩ không được áp dụng, bởi vì vị trí cần bổ nhiệm thường liên quan tới nhiều hơn một bang có một hoặc hai thượng nghị sĩ (và do đó cần nhiều hơn một hoặc thậm chí là hai thượng nghị sĩ). Nhưng các thượng nghị sĩ đến từ mỗi bang trong hạt cần đề cử thẩm phán thường đưa ra tên của những ứng cử viên có khả năng cho tổng thống. Có một quy tắc bất thành văn là mỗi bang trong hạt có thể có ít nhất một thẩm phán trong tòa phúc thẩm của hạt. Nếu quy tắc này được tuân thủ và ứng cử viên của tổng thống có đầy đủ phẩm chất và năng lực, Thượng viện nói chung thường nhất trí với những đề cử của người đứng đầu ngành hành pháp.

Thượng viện có xu hướng tranh chấp với tổng thống nếu bất đồng ý kiến về sự phù hợp của một ứng cử viên đối với chức vụ thẩm phán tại Tòa án tối cao. Từ năm 1789, các tổng thống đã gửi cho Thượng viện tên của 144 ứng cử viên đề cử vào Tòa án tối cao để Thượng viện xem xét và tán thành. Trong số này, có 30 người đã bị Thượng viện phản đối hoặc “trì hoãn vô thời hạn”, hoặc tên của họ đã bị tổng thống rút lại. Như vậy, các tổng thống chỉ thành công trong 79% các trường hợp, và tỷ lệ thành công của họ có vẻ tăng lên khi xem xét thực tế rằng đã có một phần ba số ứng cử viên bị Thượng viện phản đối trong thế kỷ XIX. Các tài liệu ghi chép cho thấy rằng tổng thống thường thành công nhất trong việc thuyết phục Thượng viện chấp thuận việc bổ nhiệm thẩm phán Tòa án tối cao khi các ứng cử viên có lai lịch, phẩm chất không gây tranh cãi và thiên hướng chính trị ôn hòa, và khi đảng của tổng thống đồng thời kiểm soát Thượng viện, hoặc ít nhất đa số trong Thượng viên có cùng những quan điểm và giá trị cơ bản với tổng thống.

QUÁ TRÌNH HÒA NHẬP VÀO BỘ MÁY TƯ PHÁP

Tại các trường cao đẳng và trường luật, các thẩm phán tương lai được học những kỹ năng phân tích và giao tiếp quan trọng, bên cạnh kiến thức cơ bản về luật pháp. Sau một hoặc hai chục năm hành nghề luật, vị thẩm phán tương lai đã có được một hiểu biết khá tốt về cách thức hoạt động trên thực tế của các tòa án và luật pháp, và có chuyên môn sâu về một vài lĩnh vực luật. Mặc dù có tất cả những sự chuẩn bị này, đôi khi được gọi là “quá trình hòa nhập trước”, phần lớn các thẩm phán mới của Mỹ vẫn có rất nhiều điều phải học để làm một thẩm phán.

Hoa Kỳ không chỉ thiếu những quy trình đào tạo chính thức đối với nghề thẩm phán, mà người Mỹ còn cho rằng việc hành nghề luật sư trong một thập kỷ hoặc hơn là tất cả những gì cần thiết để có thể trở thành một thẩm phán. Ngược lại, việc trở thành một thẩm phán ở Mỹ đòi hỏi phải có sự hòa nhập tương đối nhiều của người mới vào nghề (học tập ngắn hạn và điều chỉnh cho phù hợp với vai trò mới) và sự hòa nhập về mặt nghề nghiệp (đào tạo tại chức trong khoảng thời gian một vài năm).

Thông thường, những người mới được bổ nhiệm vào các tòa án sơ thẩm có thể là các luật sư hạng nhất và các chuyên gia trong một vài lĩnh vực luật mà họ có kiến thức chuyên ngành. Tuy nhiên, với vai trò là một thẩm phán, họ được yêu cầu phải là chuyên gia trong mọi lĩnh vực pháp lý, phải tham gia vào những nhiệm vụ tư pháp mà thường không có liên quan gì tới những công việc họ đã tiến hành khi làm luật sư (ví dụ như kết án), và được giao cho rất nhiều nhiệm vụ mà họ không có kinh nghiệm gì trước đó (ví dụ như học cách vào sổ ghi án một cách hiệu quả hàng trăm vụ án khác nhau).

Tại các tòa phúc phẩm, cũng có một quá trình hòa nhập những người mới được bổ nhiệm - mặc dù các thẩm phán hạt thường đã có kinh nghiệm làm thẩm phán từ trước - và các cựu thẩm phán tòa sơ thẩm dường như chuyển đổi dễ dàng hơn. Trong suốt thời gian chuyển đổi, các thẩm phán hạt có xu hướng phát biểu tại tòa ít hơn so với các đồng sự giàu kinh nghiệm hơn của mình. Họ thường mất nhiều thời gian hơn để ghi chép các ý kiến, tham khảo nhiều hơn các đồng nghiệp có thâm niên cao, hoặc trải qua một thời kỳ do dự và thiếu quyết đoán.

Quá trình học tập đối với các thẩm phán mới của Tòa án tối cao còn vất vả hơn nữa. Giống như các thẩm phán mới của tòa phúc thẩm, các thẩm phán mới được bổ nhiệm của Tòa án tối cao cũng có xu hướng tham khảo ý kiến các đồng sự nhiều kinh nghiệm, đưa ra ít hơn những ý kiến đa số hoặc quan điểm bất đồng, và thể hiện một mức độ không chắc chắn. Các thẩm phán mới của Tòa án tối cao có thể có nhiều kinh nghiệm thẩm phán hơn các đồng sự của họ tại những tòa án cấp thấp hơn, nhưng thực tế là Tòa án tối cao tham gia vào một phạm vi rộng các quyết sách tư pháp - trái ngược với việc sửa chữa những sai sót của các tòa phúc thẩm và việc thực thi luật pháp của tòa sơ thẩm - có thể giải thích cho sự thiếu quyết đoán ban đầu của họ.

Khi xem xét nhu cầu của tất cả các thẩm phán mới của liên bang đối với việc hòa nhập về mặt nghề nghiệp cũng như trên khía cạnh một người mới vào nghề, họ sẽ có được sự chỉ dẫn ở đâu? Đối với các thẩm phán tòa phúc thẩm và sơ thẩm, họ học được những điều này chủ yếu là từ các đồng sự có thâm niên cao hơn và giàu kinh nghiệm hơn - đặc biệt là chánh án của hạt hoặc của khu vực lưu động. Cũng tương tự ở Tòa án tối cao, các đồng sự lớn tuổi hơn, và đặc biệt là chánh án, đóng vai trò chủ yếu trong việc truyền lại cho các thẩm phán mới những phép tắc và giá trị thiết yếu của Tòa.

Các buổi hội thảo đào tạo do Trung tâm tư pháp liên bang tiến hành dành cho những thẩm phán mới được bổ nhiệm cũng có một vai trò quan trọng trong việc đào tạo và giúp các thẩm phán mới hòa nhập với công việc. Mặc dù một số buổi hội thảo được tiến hành bởi các chuyên gia ngoài ngành - các chuyên gia về từng lĩnh vực luật pháp trong trường luật - song các giảng viên chủ yếu thường là những thẩm phán giàu kinh nghiệm - những người mà kinh nghiệm thực tiễn của họ trên ghế thẩm phán thường khiến cho các thành viên mới của hệ thống tòa án liên bang phải kính phục.

Tầm quan trọng của quá trình hòa nhập này đối với hoạt động của hệ thống tòa án - luật pháp Hoa Kỳ là gì? Thứ nhất, những tác nhân giúp hòa nhập được chuẩn bị sẵn sàng cho các thẩm phán mới sẽ cho phép hệ thống vận hành trôi chảy hơn, với thời gian gián đoạn tối thiểu. Nếu các thẩm phán mới bị tách biệt khỏi các đồng sự lớn tuổi và giàu kinh nghiệm hơn của họ, về phương diện địa lý hoặc bởi các yếu tố khác, họ sẽ cần nhiều thời gian hơn để học được những điểm cần thiết trong nghề nghiệp của mình và có thể sẽ có nhiều sai sót hơn trong việc giải quyết các tranh chấp.

Thứ hai, thực tế rằng hệ thống này tự bản thân nó có thể giúp cho việc hòa nhập -có nghĩa là các thẩm phán lớn tuổi hơn và giàu kinh nghiệm hơn giúp đào tạo những người mới vào nghề - có tác dụng như một chất keo dính kết hệ thống với nhau. Nó cho phép các giá trị, những thông lệ và định hướng của tòa án được truyền từ thế hệ thẩm phán này sang thế hệ thẩm phán khác. Nó mang lại sự liên tục và cảm giác về sự vĩnh viễn cho một hệ thống vận hành trong một thế giới mà sự hỗn loạn và các hành vi tùy tiện luôn phổ biến.

Tin tức Mỹ

Đăng ký tư vấn

Anh/Chị có bất kỳ thắc mắc về chương trình đầu tư định cư các nước, vui lòng đăng ký vào form bên dưới hoặc liên hệ với công ty USIS, chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận và giải đáp tất cả các câu hỏi của Anh/Chị.

Xin vui lòng liên hệ [email protected] hoặc điện thoại:

Việt Nam: 0909 337 657

Vui lòng để lại thông tin của bạn dưới đây