Tuyên bố khai mạc
Sau khi phiên tòa chính thức bắt đầu, cả công tố và luật sư bào chữa đều đọc một tuyên bố khai mạc (mặc dù không ở bang nào luật sư bào chữa bắt buộc phải làm như vậy). Những tuyên bố dài dòng và quá chi tiết có thể được thực hiện ở phiên tòa có bồi thẩm đoàn hơn là các phiên tòa toàn thẩm phán. Mục đích của tuyên bố khai mạc là để cung cấp cho các thành viên của bồi thẩm đoàn - những người chưa quen thuộc với luật pháp và những thủ tục điều tra hình sự - một phác thảo những mục tiêu quan trọng trong vụ việc của mỗi bên, bằng chứng sẽ được xuất trình, những nhân chứng được triệu tập, và mỗi bên tìm cách chứng minh điều gì. Nếu những tuyên bố khai mạc được thực hiện tốt thì các thành viên bồi thẩm đoàn sẽ dễ nắm bắt được ý nghĩa và tầm quan trọng của bằng chứng và lời khai hơn. Thủ tục thông thường là bang sẽ thực hiện tuyên bố khai mạc của mình ngay đầu tiên còn luật sư bào chữa sẽ tiếp theo bằng một tuyên bố về việc luật sư sẽ bác lại vụ án như thế nào.
Lý lẽ từ phía công tố
Sau những tuyên bố khai mạc, công tố viên sẽ xuất trình bằng chứng mà bang đã thu thập được để chống lại bị cáo. Bằng chứng thường gồm hai loại - bằng chứng hữu hình (vật chứng) và lời khai của nhân chứng. Vật chứng có thể gồm những thứ như viên đạn, mẫu xét nghiệm đạn đạo, dấu vân tay, mẫu chữ viết tay, xét nghiệm máu và nước tiểu, và những giấy tờ hay vật khác dùng để hỗ trợ một cách hữu hình / cụ thể. Luật sư bào chữa có thể phản đối việc áp dụng những thứ hữu hình này và, nếu thành công, sẽ loại những thứ này khỏi diện xem xét. Nếu những phản đối của luật sư bào chữa không được chấp thuận thì bằng chứng hữu hình sẽ được một nhân viên của phòng xử án xác định chủng loại và trở thành một phần của hồ sơ chính thức.
Hầu hết bằng chứng ở các vụ hình sự là dưới hình thức lời khai của nhân chứng. Cách thức lấy lời khai là một thủ tục hỏi - đáp với mục tiêu có được những thông tin hết sức cụ thể một cách đúng trật tự. Mục đích của việc làm này là chỉ xuất trình những bằng chứng phù hợp với vụ án hiện thời và không đưa ra những thông tin gây nhầm lẫn hoặc không phù hợp hay bằng chứng bất hợp pháp mà có thể gây ra một vụ xét xử sai (chẳng hạn, bằng chứng mà bị cáo đã bị kết tội trước đó cho cùng một tội danh).
Sau mỗi nhân chứng, luật sư bào chữa có quyền đối chất. Mục tiêu của luật sư bào chữa là nghi ngờ lời khai của nhân chứng cho công tố - nghĩa là không tin lời khai đó. Luật sư bào chữa có thể nỗ lực làm cho nhân chứng nhầm lẫn, bối rối hoặc giận dữ, khiến cho nhân chứng không kiểm soát được bản thân và bắt đầu đưa ra những lời khai nhầm lẫn hay mâu thuẫn. Lời khai của một nhân chứng cho công tố cũng có thể bị nghi ngờ nếu sau đó có xuất hiện các nhân chứng bào chữa phủ nhận nội dung tường thuật theo gợi ý của bang. Sau khi hoàn thành đối chất, công tố có thể tiến hành kiểm tra lại để làm rõ hay chỉnh sửa một số điểm quan trọng trong quá trình đối chất. Sau khi xuất trình tất cả bằng chứng và nhân chứng, bang sẽ tạm quay về chỗ nghỉ.
Lý lẽ từ phía người bào chữa
Việc trình bày lý lẽ từ phía luật sư bào chữa cũng tương tự như từ phía công tố về mặt cách thể hiện và dạng thức. Đối với lý lẽ từ phía luật sư bào chữa, bằng chứng hữu hình kém phổ biến hơn, và hầu hết bằng chứng sẽ là của nhân chứng, những người được chuẩn bị để bác bỏ hay mâu thuẫn với những lập luận của công tố. Các nhân chứng được luật sư bào chữa thẩm vấn theo cùng một cách thức như trong lý lẽ phía công tố. Mỗi nhân chứng bào chữa đến lượt mình có thể bị chưởng lý hạt đối chất, và sau đó việc kiểm tra lại được tiến hành.
Sự khác biệt giữa việc đưa lý lẽ từ phía công tố và từ phía luật sư bào chữa là ở trách nhiệm của họ trước pháp luật. Luật sư bào chữa không bị luật pháp yêu cầu xuất trình bất kỳ bằng chứng mới hay bổ sung nào hay bất kỳ nhân chứng nào. Việc bào chữa có thể chỉ đơn thuần là chất vấn mức độ tin cậy hay tính hợp pháp của bằng chứng và nhân chứng của bang. Bên bào chữa không bắt buộc phải chứng minh sự vô tội của bị cáo; nó chỉ cần chỉ ra rằng lý lẽ của bang không nằm ngoài một mối nghi ngờ hợp lý. Bị đơn thậm chí cũng không cần ra làm chứng. (Tuy nhiên, nếu lựa chọn làm như vậy thì bị cáo sẽ phải đối mặt với rủi ro bị đối chất như những nhân chứng khác).
Sau khi luật sư bào chữa tạm quay về chỗ nghỉ, công tố có quyền đưa ra bằng chứng bác bỏ. Đến lượt mình, luật sư bào chữa đưa ra lời kháng biện, được gọi là lời đập lại lời buộc tội của công tố. Sau đó, mỗi bên đưa ra những lý lẽ cuối cùng. Thông thường, đây là một trong những hồi gay cấn của phiên tòa vì mỗi bên tìm cách kết luận nhưng lý lẽ của mình, cô đọng những lý lẽ thuyết phục nhất, và trình kháng nghị cuối cùng lên bồi thẩm đoàn. Bằng chứng mới có thể không được đưa ra ở bước này, và lý lẽ của cả hai bên dường như có cảm xúc và viện đến những giá trị vượt quá vụ án đang xét xử. Công tố có thể nói về vấn đề tội phạm nói chung, về nhu cầu phải có luật pháp và trật tự, và về yêu cầu không được để bị cáo giành được lòng trắc ẩn bằng sự cảm thông của nạn nhân của tội phạm. Mặt khác, luật sư bào chữa có thể nhắc nhở các thành viên bồi thẩm đoàn “tất cả chúng ta đều mắc sai lầm trong cuộc đời này như thế nào” hay lập luận rằng, trong một xã hội tự do, dân chủ, bất cứ điều gì nghi ngờ đều phải được giải quyết theo cách có lợi cho bị cáo. Tuy nhiên, công tố có thể dễ dàng trá nh sự đa cảm hơn luật sư bào chữa vì nhiều phán quyết của bồi thẩm đoàn đã bị đảo ngược ở tòa phúc thẩm sau khi chưởng lý hạt thêm thắt những lời lẽ gây tổn hại vào những tuyên bố sau cùng.
Vai trò của thẩm phán trong quá trình xét xử
Vai trò của thẩm phán trong việc xét xử, mặc dù rất quan trọng, nhưng lại là một vai trò tương đối thụ động. Thẩm phán không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào hay chủ động tham gia vào việc thẩm vấn nhân chứng. Thẩm phán được nhờ tới để giám sát trên cơ sở kiến nghị của công tố và luật sư bào chữa về loại bằng chứng được đưa ra và loại câu hỏi được dùng để hỏi nhân chứng. Trong một số khu vực tài phán, thẩm phán được phép đặt những câu hỏi thực chất cho nhân chứng và cũng bình luận trước bồi thẩm đoàn về mức độ tin cậy của bằng chứng đưa ra; ở những bang khác, thẩm phán bị hạn chế khỏi những hoạt động đó. Mặc dù vậy, truyền thống pháp lý của Mỹ cũng dành chỗ cho rất nhiều phong cách xét xử tư pháp tùy theo tư cách cá nhân, trình độ đào tạo và sự khôn ngoan của từng cá nhân thẩm phán.
Đầu tiên và trước hết, thẩm phán được kỳ vọng sẽ đóng vai trò một bên tham gia không vụ lợi mà công việc chủ yếu là bảo đảm rằng cả hai bên được phép trình bày vụ án của mình càng đầy đủ càng tốt trong phạm vi luật định. Nếu các thẩm phán không còn dáng vẻ thực hiện nhiệm vụ một cách công bằng và trung lập thì họ sẽ đi ngược lại với những nguyên lý căn bản của pháp luật Mỹ và phán quyết của họ có nguy cơ bị tòa phúc thẩm bác bỏ.
Mặc dù các thẩm phán phần lớn đóng một vai trò như vậy, nhưng những nền tảng và giá trị của các nhà luật học cũng tác động đến phán quyết của họ trong những vụ không rõ ràng tức là khi họ phải đưa ra phán quyết về một yêu cầu trong đó lý lẽ của hai bên đều có lý hoặc khi luật pháp có thể được giải thích theo nhiều cách khác nhau.
Vai trò của bồi thẩm đoàn trong quá trình xét xử
Vai trò của các thành viên bồi thẩm đoàn trong quá trình xét xử là rất thụ động. Công việc của họ là lắng nghe các vụ án do các bên luật sư đệ trình và sau đó đi đến phán quyết chỉ dựa trên bằng chứng được đưa ra. Thông thường, các thành viên bồi thẩm đoàn không được phép đặt những câu hỏi cho nhân chứng hay thẩm phán, và họ cũng không được phép ghi chép về vụ kiện. Đây không phải do những điều cấm theo hiến pháp hay luật định mà chủ yếu vì đây là tập quán truyền thống của các tòa án ở Mỹ.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều thẩm phán đã cho phép các thành viên bồi thẩm đoàn được tham gia nhiều hơn vào công việc xét xử. John F. Grady, Chánh án Tòa án hạt liên bang tại Chicago, trong hơn một thập kỷ đã cho phép các thành viên bồi thẩm đoàn ở phòng xử án của mình được ghi chép. Ít nhất bốn tòa phúc thẩm Mỹ đã ngầm chấp thuận việc thành viên bồi thẩm đoàn tham gia thẩm vấn nhân chứng chừng nào những thành viên này vẫn không được phép đặt câu hỏi giữa lúc xử án và các luật sư được trao cơ hội phản đối những câu hỏi cụ thể trước khi được đặt ra cho nhân chứng. Ở một số bang, có một số ít thẩm phán xử án đã cho phép các thành viên bồi thẩm đoàn đóng vai trò tương đối tích cực trong việc xét xử. Mặc dù vậy, ở cả cấp độ bang và liên bang, vai trò của bồi thẩm đoàn về cơ bản vẫn còn rất thụ động.
Chỉ dẫn cho bồi thẩm đoàn
Mặc dù công việc của bồi thẩm đoàn là xem xét và đánh giá các dữ kiện của vụ án, nhưng thẩm phán phải chỉ dẫn cho các thành viên bồi thẩm đoàn về ý nghĩa của luật pháp và luật pháp được áp dụng như thế nào. Do nhiều vụ án bị đảo ngược khi phúc thẩm do những chỉ dẫn sai cho bồi thẩm đoàn nên các thẩm phán có xu hướng rất chú trọng đến việc từ ngữ chuẩn mực về mặt chuyên môn và pháp lý.
Tất cả những chỉ dẫn cho bồi thẩm đoàn phải có một số yếu tố cơ bản. Một yếu tố trong số đó là định nghĩa cho các thành viên tội danh mà bị cáo bị buộc tội. Điều này có thể liên quan đến việc dành cho các thành viên bồi thẩm đoàn rất nhiều lựa chọn về loại phán quyết đưa ra. Chẳng hạn, nếu một người lấy đi mạng sống của người khác thì bang có thể xử bị cáo tội giết người cấp độ 1. Tuy nhiên, thẩm phán cần giúp bồi thẩm đoàn hiểu định nghĩa pháp lý của giết người cấp độ 2 hay ngộ sát nếu thẩm phán xác định rằng bị đơn là thủ phạm nhưng không hành động có chủ định trước một cách độc ác.
Thẩm phán cũng phải nhắc nhở bồi thẩm đoàn rằng gánh nặng bằng chứng là dành cho bang và rằng bị cáo được giả định là vô tội. Nếu sau khi xem xét tất cả bằng chứng mà bồi thẩm đoàn vẫn có sự nghi ngờ hợp lý đối với tội danh của bị cáo thì bồi thẩm đoàn phải đưa ra một phán quyết không có tội.
Cuối cùng, thẩm phán thường giúp các thành viên bồi thẩm đoàn hiểu rất nhiều vấn đề về thủ tục, làm thế nào để liên lạc với thẩm phán khi họ có câu hỏi, trật tự mà theo đó họ phải xem xét lời buộc tội nếu có nhiều hơn một lời buộc tội, ai phải ký những giấy tờ chính thức thể hiện phán quyết của bồi thẩm đoàn. Sau khi những chỉ dẫn được đọc cho bồi thẩm đoàn (và luật sư bào chữa cho mỗi bên đã được dành cơ hội đưa ra lời phản biện), các thành viên bồi thẩm đoàn rút vào phòng nghị án để quyết định số phận của bị cáo.