Phát biểu tại cuộc họp thượng đỉnh về đầu tư ưu tiên SelectUSA 2013, tổ chức ở Washington, với sự tham dự của khoảng 1.200 đại diện doanh nghiệp đến từ gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng với các Giám đốc điều hành (CEO) của các tập đoàn lớn tại Mỹ, Tổng thống Obama lần đầu tiên chính thức công bố kế hoạch mới về thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Mỹ, nhất là các doanh nghiệp có khả năng mở rộng thị trường lao động, tạo thêm việc làm mới cho nước Mỹ.
Theo báo cáo của Nhà Trắng công bố ngày 31/10, luồng vốn FDI đổ vào Mỹ trong năm 2012 đã giảm xuống còn 166 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước.
Dòng vốn FDI vào Mỹ dự kiến trong năm nay có thể tiếp tục giảm do chính phủ liên bang phải đóng cửa hơn 2 tuần hồi tháng Mười vừa qua, làm gia tăng những mối lo ngại về khả năng của chính phủ Mỹ trong việc quản lý, điều hành nền kinh tế, có thể dẫn tới những xáo trộn trên thị trường tài chính toàn cầu, cũng như làm suy giảm lòng tin của người tiêu dùng và giới doanh nghiệp trong nước.
Cho đến nay, đầu tư nước ngoài đã trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế Mỹ với mức đóng góp hàng trăm tỷ USD/năm, mặc dù mức độ đầu tư đã giảm liên tục kể từ đợt suy thoái 2008-2009, góp phần khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới phục hồi chậm chạp.
Tuy vậy, theo báo cáo của Bộ Thương Mại và Hội đồng Cố vấn kinh tế của Tổng thống Obama, Mỹ liên tục đứng đầu thế giới về thu hút FDI kể từ năm 2006 đến nay, với dòng vốn tổng cộng lên tới 1.500 tỷ USD.
Năm 2012, FDI vào Mỹ ước tính đạt 166 tỷ USD và tài sản ròng của các chi nhánh nước ngoài đặt tại Mỹ tổng cộng là 3,9 tỷ USD. Đầu tư vào Mỹ chủ yếu đến từ một nhóm các nước công nghiệp gồm Nhật Bản, Canada, Australia, Hàn Quốc và các nước Tây Âu – vốn chiếm trới 80% FDI mới đổ vào Mỹ. Trong khi đó, mặc dù còn khiêm tốn nhưng dòng vốn đầu tư của các nền kinh tế mới nổi vào Mỹ như Trung Quốc và Brazil cũng đang gia tăng nhanh chóng.
Theo Phapluattp - Nguồn: TTXVN