Khi rời Nhà Trắng 4 năm trước, Donald Trump nói với người ủng hộ rằng ông sẽ trở lại, và ông đã chứng minh đó không phải lời nói suông.
Khi cựu tổng thống Mỹ Donald Trump thất bại trước ông Joe Biden trong cuộc bầu cử năm 2020, nhiều người đã nghĩ đó là hồi kết cho sự nghiệp chính trị của ông. Nhiệm kỳ đầu tiên của ông khép lại trong hỗn loạn và những lời chỉ trích, ngay cả từ những người ủng hộ trong chính đảng Cộng hòa.
Tuy nhiên, 4 năm sau, ông Trump đánh bại ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris một cách chóng vánh, để trở lại Nhà Trắng như ông đã tuyên bố và giành lại "đỉnh cao vinh quang mới".
"Tôi nghĩ chúng ta vừa chứng kiến màn trở lại chính trường vĩ đại nhất lịch sử Mỹ. Dưới sự lãnh đạo của ông Trump, chúng tôi sẽ không bao giờ ngừng chiến đấu vì các bạn, vì giấc mơ và tương lai của con cái các bạn", JD Vance, cấp phó của ông Trump, phát biểu tại buổi lễ mừng chiến thắng.
Ông Trump tại buổi lễ ăn mừng ở West Palm Beach ngày 6/11. Ảnh: AP
Từ người ngoại đạo chính trị tới Tổng thống Mỹ
Rất lâu trước khi tham gia tranh cử tổng thống Mỹ, Donald Trump đã là tỷ phú nổi tiếng. Cuộc sống của ông trùm bất động sản New York xuất hiện trên khắp báo chí và truyền hình.
Ông sinh ngày 14/6/1946, là con thứ tư của trùm bất động sản New York Fred Trump. Ông có 4 anh chị em gồm Maryanne, Fred Jr., Elizabeth và Robert.
Năm 13 tuổi, ông được gửi tới Học viện Quân sự New York, một trường nội trú tư thục, sau khi có những hành xử không tốt tại trường cũ. Năm 1964, ông theo học Đại học Fordham và hai năm sau chuyển tới Trường Wharton của Đại học Pennsylvania. Ông tốt nghiệp bằng cử nhân khoa học kinh tế vào tháng 5/1968.
Ông Trump ban đầu được cho là sẽ đảm nhận vị trí cấp thấp trong công ty của cha. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp Trường Wharton, ông được chọn làm người thừa kế sản nghiệp, khi anh trai Fred Jr. theo đuổi nghề phi công.
Fred Jr. qua đời ở tuổi 43 vì nghiện rượu. Đây được cho là lý do khiến ông Trump tránh xa rượu và thuốc lá trong suốt cuộc đời.
Ông Trump ban đầu giúp cha quản lý dự án chung cư ở các quận của thành phố New York, sau đó nắm quyền điều hành công ty và đổi tên thành Tập đoàn Trump năm 1971.
Dưới thời Trump, tập đoàn bất động sản mà ông thừa kế từ cha đã chuyển đầu tư từ các khu chung cư ở Brooklyn và Queens sang các dự án hào nhoáng ở Manhattan.
Năm 1978, Trump mua lại khách sạn xuống cấp Commodore gần nhà ga trung tâm Manhattan và cải tạo lại thành khách sạn Grand Hyatt New York, khai trương vào năm 1980.
Cùng năm đó, ông bắt đầu xây Tháp Trump, tòa nhà chọc trời nằm trên Đại lộ thứ Năm nổi tiếng ở Manhattan. Tòa nhà là trụ sở của Tập đoàn Trump và cũng là nơi ở chính của ông Trump cho đến năm 2019.
Nhiều tài sản khác của ông Trump, từ sòng bạc, chung cư cho đến khách sạn và sân golf, cũng được xây dựng khắp các thành phố Atlantic, Chicago và Las Vegas của Mỹ cho tới Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Philippines.
Donald Trump (ngoài cùng bên trái) cùng 4 anh chị em. Ảnh: WP
Không chỉ nổi tiếng trong giới bất động sản, ông Trump còn là ngôi sao ngành giải trí. Ông từng sở hữu các cuộc thi sắc đẹp như Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Mỹ và Hoa hậu tuổi teen Mỹ, sau đó là người sáng tạo kiêm dẫn chương trình truyền hình thực tế The Apprentice (Người Tập sự) của đài NBC.
Chương trình phát sóng 14 mùa, trong đó các thí sinh cạnh tranh để giành được vị trí trong đế chế kinh doanh của Trump. Câu nói "bạn bị sa thải" đã trở thành thương hiệu giúp Trump nổi tiếng không chỉ ở Mỹ mà còn cả trên thế giới.
Ông Trump viết sách, đóng phim và thậm chí còn xuất hiện trên sàn đấu vật, cũng như kinh doanh mọi thứ từ đồ uống tới cà vạt. Tỷ phú từng nộp đơn xin phá sản doanh nghiệp 6 lần và một số dự án kinh doanh của ông gồm Trump Steaks và Trump University đã sụp đổ.
Cuộc sống cá nhân của ông Trump cũng luôn nhận được quan tâm lớn từ công chúng. Vợ đầu của ông là Ivana Zelnickova, vận động viên kiêm người mẫu người gốc Cộng hòa Czech. Hai người có với nhau ba con gồm Donald Jr, Ivanka và Eric.
Ông sau đó kết hôn với nữ diễn viên Marla Maples năm 1993, hai tháng sau khi đứa con duy nhất của họ là Tiffany chào đời. Hai người ly hôn năm 1999.
Vợ hiện tại của ông Trump là cựu người mẫu Slovenia Melania. Hai người kết hôn năm 2005 và có một con trai tên Barron, năm nay tròn 18 tuổi.
Ông Trump cùng vợ và các con tại Đại hội Toàn quốc đảng Cộng hòa hồi tháng 8/2020. Ảnh: AFP
Donald Trump từng là người ghét chính trị. Trong cuộc phỏng vấn năm 1980, khi ở tuổi 34, ông Trump cho rằng những người có năng lực nhất sẽ chọn kinh doanh thay vì đi làm chính trị.
Tuy nhiên, đến năm 1987, ông bắt đầu nói về ý định tranh cử tổng thống. Ông từng thử sức trong cuộc tranh cử năm 2000 với tư cách thành viên đảng Cải cách và sau đó là năm 2012 trong vai trò thành viên đảng Cộng hòa. Song phải tới năm 2015, ông mới chính thức tuyên bố tranh cử vào Nhà Trắng.
Khả năng thống trị sân khấu tranh luận cùng các đề xuất chính sách đầy tranh cãi như xây tường biên giới với Mexico đã thu hút người ủng hộ và truyền thông. Với khẩu hiệu "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" và chiếc mũ đỏ đặc trưng, ông đã vượt qua các đối thủ trong vòng sơ bộ đảng Cộng hòa và cuối cùng đánh bại bà Clinton để trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ.
Lặng lẽ rời Nhà Trắng
Bốn năm trước, ông Trump bại trận trước đối thủ Biden trong chiến dịch tái tranh cử bị phủ bóng bởi Covid-19. Ông cùng các đồng minh đã nỗ lực phản đối kết quả bầu cử, cáo buộc có gian lận phiếu bầu, song tất cả đều bị tòa án bác bỏ.
Ngày 6/1/2021, ông kêu gọi những người ủng hộ tiến đến Đồi Capitol để ngăn quốc hội chứng nhận chiến thắng cho ông Biden. Cuộc diễu hành nhanh chóng biến thành bạo loạn khi đám đông ủng hộ ông lao vào nhà quốc hội, khiến hàng trăm nhân viên thực thi pháp luật bị thương.
Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos, Bộ trưởng Giao thông Elaine Chao cùng loạt quan chức chính quyền Trump nhanh chóng từ chức để phản đối cuộc bạo loạn. Ngay cả Lindsey Graham, thượng nghị sĩ Cộng hòa Nam Carolina và là một trong những đồng minh thân cận nhất, cũng quay lưng với cựu tổng thống.
"Tất cả những gì tôi có thể nói là đừng lôi tôi vào. Quá đủ rồi", Graham nói tại Thượng viện.
Làn sóng phản đối ông Trump lan sang cả giới doanh nghiệp, khi hàng chục tập đoàn lớn như Microsoft, Nike tuyên bố ngừng hỗ trợ cho những người Cộng hòa phản đối kết quả bầu cử năm 2020.
Người ủng hộ ông Trump xung đột với lực lượng an ninh khi xông vào Đồi Capitol ngày 6/1/2021. Ảnh: AP
Vào ngày ông Biden nhậm chức tổng thống thứ 46, ông Trump đã phá vỡ truyền thống 152 năm của Mỹ khi từ chối tham dự buổi lễ. Thay vào đó, ông âm thầm lên máy bay trở về dinh thự riêng ở Mar-a-Lago ở bang Florida cùng gia đình và một số trợ lý thân cận.
Ông Trump đã rất buồn sau khi rời Nhà Trắng, theo Meridith McGraw, tác giả cuốn sách Trump in Exile. "Ông ấy tức giận, thất vọng, không biết giết thời gian bằng cách nào và không có kế hoạch cho tương lai chính trị của bản thân", bà cho hay.
Không ít người tin rằng mọi thứ đã chấm hết với Trump. "Và cứ như vậy, sự nghiệp chính trị táo bạo, bùng nổ và đôi khi đầy rực rỡ của Donald Trump đã kết thúc", một bài viết trên The Hill khi đó có đoạn.
Một bài viết trên NYTimes hồi tháng 2/2021 thậm chí thẳng thừng hơn với tiêu đề "Tổng thống Donald Trump: Sự nghiệp kết thúc".
Tuy nhiên, trước khi rời Washington về Florida, ông Trump đã ám chỉ về những gì sẽ xảy ra. "Chúng tôi yêu các bạn. Chúng tôi sẽ trở lại bằng cách nào đó", ông nói với người ủng hộ trên đường băng của căn cứ không quân Maryland.
Cựu tổng thống Trump không phải đợi quá lâu để tái khẳng định tầm ảnh hưởng chính trị. Một tuần sau khi ông Trump rời đi, lãnh đạo phe Cộng hòa ở Hạ viện Kevin McCarthy đã tới Mar-a-Lago thăm và chụp ảnh cười rạng rỡ bên ông Trump.
Ngay cả khi Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát đang chuẩn bị luận tội ông Trump với cáo buộc kích động bạo loạn Đồi Capitol, chuyến thăm của McCarthy đã nhấn mạnh thực tế rằng một trong những đảng viên Cộng hòa quyền lực nhất tại quốc hội vẫn tôn sùng cựu tổng thống.
"Chuyến thăm của McCarthy thực sự đã mở cánh cửa cho ông Trump. Nó giúp những người Cộng hòa từng chỉ trích Trump tha thứ và tiếp tục ủng hộ ông", McGraw nói.
Phiên luận tội ông Trump ở Thượng viện đã kết thúc với tuyên bố tha bổng cho cựu tổng thống. Hầu hết thành viên đảng Cộng hòa, gồm cả một số người chỉ trích mạnh mẽ ông Trump như lãnh đạo phe thiểu số Mitch McConnell, đều bỏ phiếu phản đối.
Giới quan sát cho rằng McConnell và những người khác trong đảng Cộng hòa không muốn chặn đường lui của chính mình. Họ cũng lo ngại cựu tổng thống có thể thành lập đảng thứ ba và hút hết ủng hộ của đảng Cộng hòa.
Cựu tổng thống dành phần lớn tháng 2/2021 tại Mar-a-Lago, chỉ ra ngoài chơi golf hoặc ăn tối. Đến cuối tháng đó, khi cơn phẫn nộ của dư luận về bạo loạn Đồi Capitol dần lắng xuống, ông bắt đầu tham gia sự kiện công khai đầu tiên hậu Nhà Trắng.
Tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ, sự kiện thường niên của phe cánh hữu được tổ chức ở thành phố Orlando, bang Florida, Trump cho thấy ông vẫn có nền tảng ủng hộ trung thành. Phát biểu trước hàng nghìn người, ông Trump phần nào tìm lại được ánh hào quang.
"Tôi đứng trước các bạn ở đây hôm nay để tuyên bố rằng hành trình đáng kinh ngạc mà chúng ta cùng nhau bắt đầu vẫn chưa kết thúc", ông nói.
Ông ám chỉ sẽ tái tranh cử vào năm 2024. Một cuộc thăm dò ý kiến người tham dự hội nghị chỉ ra 68% muốn ông Trump tái tranh cử, 55% cho biết sẽ bỏ phiếu cho ông trong cuộc bầu cử sơ bộ, nhiều gấp đôi ứng viên tiềm năng là Thống đốc Florida Ron DeSantis.
"Trump và nhóm của ông ấy đã khá lo lắng về bài phát biểu. Khoảnh khắc ông ấy nhận được sự đón nhận nồng nhiệt thực sự quan trọng đối với họ", McGraw nói.
Trump tái kích hoạt mail gây quỹ của mình và tiếp tục tổ chức các cuộc mít tinh với đông đảo người tham gia. "Các bạn có nhớ tôi không?", ông Trump hỏi đám đông ở Ohio hồi tháng 6/2021. Đám đông đáp lại bằng tiếng reo hò và ông Trump kết luận: "Họ nhớ tôi".
Cuộc mít tinh của cựu tổng thống Donald Trump tại Wellington, bang Ohio ngày 26/6/2021. Ảnh: Reuters
Bầu cử giữa kỳ
Thế giới chứng kiến cuộc rút quân hỗn loạn của Mỹ khỏi Afghanistan hồi tháng 8/2021, dẫn tới sự sụp đổ chính quyền do Washington hậu thuẫn tại Kabul và mở đường cho Taliban lên nắm quyền. Cuộc rút quân đã gây ra những tác động không nhỏ tới hình ảnh của Mỹ trên thế giới.
Trong nước Mỹ, giá xăng và lạm phát cao gần chạm ngưỡng kỷ lục trong nhiều thập kỷ. Tăng trưởng kinh tế của Mỹ, đang phục hồi sau những gián đoạn vì đại dịch, đã chững lại. Tỷ lệ tín nhiệm dành cho Tổng thống Biden giảm nghiêm trọng. Chính trường Mỹ vốn bất bình với ông Trump vào đầu năm 2021 bắt đầu thay đổi.
"Ông Joe Biden không giải quyết được những mối quan tâm chính của cử tri. Điều đó đã tạo cơ hội cho Donald Trump", Lanza nói.
Mar-a-Lago trở thành điểm dừng chân bắt buộc đối với bất kỳ người bảo thủ nào tìm kiếm vị trí ứng viên của đảng trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022. Sự ủng hộ của cựu tổng thống được xem là giải thưởng hấp dẫn kiêm chìa khóa để tiếp cận các khoản tiền gây quỹ cùng cơ sở ủng hộ trong đảng.
4 trong 6 thành viên Cộng hòa ở Hạ viện, những người bỏ phiếu luận tội ông Trump, đã thất bại trước các ứng viên được ông Trump hậu thuẫn trong vòng bầu cử sơ bộ của đảng. JD Vance ở bang Ohio và Herschel Walker ở bang Georgia dẫn đầu các cuộc bầu cử sơ bộ với sự ủng hộ của Trump.
"Sự hậu thuẫn của ông ấy gần như đảm bảo chiến thắng cho bạn trong vòng sơ bộ", Brian Seitchik, người từng là giám đốc chiến dịch của Trump ở bang Arizona năm 2016 và giám đốc chiến dịch khu vực phía tây nước Mỹ trong năm 2020, nói.
Tuy nhiên, kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 không như kỳ vọng. Trong 4 ứng viên Thượng viện mà ông ủng hộ, chỉ có Vance đánh bại đối thủ đảng Dân chủ. Đảng Cộng hòa giành lại quyền kiểm soát Hạ viện với cách biệt không lớn, nhưng Thượng viện vẫn nằm trong tay đảng Dân chủ.
Tại bang Florida, Thống đốc DeSantis nổi lên như ngôi sao sáng cho vị trí ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa năm 2024. Nhiều chuyên gia thậm chí cho rằng ông Trump đã đánh mất thời cơ chính trị. Tuy nhiên, ông Trump vẫn quyết định phát động chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024 chỉ vài tuần sau cuộc bầu cử giữa kỳ.
"Sự trở lại của nước Mỹ bắt đầu ngay bây giờ", cựu tổng thống, khi đó 76 tuổi, nói với vài trăm người ủng hộ tập trung trong phòng khiêu vũ tại dinh thự Mar-a-Lago, bang Florida tối 15/11/2022.
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tái tranh cử tại dinh thự Mar-a-Lago, bang Florida tối 15/11/2022.
Con đường tới đề cử lần thứ ba của đảng Cộng hòa
Chiến dịch tái tranh cử của ông Trump có khởi đầu gập ghềnh khi nhiều người hoài nghi về tầm ảnh hưởng và năng lực chính trị. Ông tiếp tục hứng mũi dùi dư luận vì dùng bữa tối với Nick Fuentes, người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng.
"Từ lễ Tạ ơn đến năm mới năm đó là khoảng thời gian khá u ám", McGraw cho hay. "Ông ấy tuyên bố tranh cử, nhưng chúng tôi không chắc ông ấy có thể làm được hay không. Ông ấy liệu có đủ kỷ luật để theo đuổi mục tiêu này?".
Tuy nhiên, ở hậu trường, ông Trump đã tập hợp đội ngũ nhân viên chiến dịch và giao cho những người vận động chính trị dày dạn kinh nghiệm dẫn dắt.
Chris LaCivita là thành viên đảng Cộng hòa với hàng chục năm kinh nghiệm trong khi Susie Wiles là người giúp bang Florida trở thành pháo đài của phe bảo thủ. Hai người đã làm việc với ông Trump để xây dựng chiến lược bầu cử sơ bộ.
Trong khi DeSantis bận rộn với công việc thống đốc ở Florida, Trump đã sớm hành động. Ông công kích kịch liệt Ron DeSantis, "ngôi sao đang lên" được nhiều người tôn trọng và kỳ vọng.
"Mọi người đều nghĩ Ron DeSantis đang ở đỉnh cao quyền lực chính trị và khó bị 'lật đổ'. Tuy nhiên, ông Trump đã hạ bệ ông ta", Lanza nói.
Chiến dịch của ông Trump được thúc đẩy nhờ những nguồn động lực không ngờ nhất, gồm cuộc khám xét tìm tài liệu mật của FBI tại dinh thự Mar-a-Lago vào tháng 8/2022 và đỉnh điểm là loạt cáo trạng nhắm vào cựu tổng thống trong năm 2023.
Những cáo buộc này đã trở thành tâm điểm trong cuộc cạnh tranh đề cử của đảng Cộng hòa. Ảnh hồ sơ nhà tù của ông Trump chụp ở Atlanta vào tháng 8/2023 trở nên nổi tiếng, được in trên áo phông chiến dịch tranh cử và các biển hiệu.
Đối với nhiều người, khoảnh khắc này cho thấy công lý đã được thực thi. Nhưng với nhiều cử tri bảo thủ, đây là thời điểm để đoàn kết và ủng hộ lãnh đạo đảng đang gặp khó khăn.
Cuộc khảo sát của nhà thăm dò ý kiến Sarah Longwell với nhóm thành viên đảng Cộng hòa ở Iowa hồi tháng 6/2023, một tuần sau khi Bộ Tư pháp truy tố ông Trump với cáo buộc giữ trái phép tài liệu mật của chính phủ, cho thấy nhiều người đứng về phía cựu tổng thống.
"Tôi nghĩ ông ấy bị gài bẫy", một người nói.
"Đây là hành động can thiệp bầu cử chưa từng thấy", một người khác chỉ trích.
Ngày 13/7, ông Trump bị ám sát hụt khi đang vận động tranh cử ở Pennsylvania. Tay súng 20 tuổi Thomas Matthew Crooks bị bắn hạ tại hiện trường sau khi một viên đạn sượt qua tai ông Trump.
Hình ảnh ông Trump vung nắm đấm lên trời và hô vang "chiến đấu" ba lần trước khi được mật vụ hộ tống khỏi sân khấu đã trở thành khoảnh khắc biểu tượng cho chiến dịch tranh cử.
Donald Trump giơ nắm tay sau khi bị ám sát hụt tại Butler, bang Pennsylvania ngày 13/7. Ảnh: AP
Vài ngày sau đó, ông tới Đại hội Toàn quốc đảng Cộng hòa ở Milwaukee với tư cách là người hùng trong mắt người ủng hộ.
"Thực sự đây là lần đầu tiên sau thời gian dài đảng Cộng hòa đoàn kết như thế. Họ cảm thấy vô cùng tự tin", McGraw nói.
Trở lại Nhà Trắng
Ông chủ Tesla Elon Musk, người giàu nhất thế giới, đã công khai ủng hộ cựu tổng thống sau vụ ám sát hụt và bắt đầu rót tiền cho nỗ lực vận động ở các bang chiến trường quan trọng.
Vào tháng 6, ông Biden thể hiện kém trong cuộc tranh luận với ông Trump. Tổng thống đối mặt với áp lực lớn trong đảng Dân chủ và thông báo dừng tranh cử ngày 21/7, ủng hộ Phó tổng thống Kamala Harris trở thành ứng viên của đảng.
Chỉ trong vài tuần, bà Harris đã củng cố nền tảng ủng hộ, truyền thêm nhiệt huyết cho đảng Dân chủ và thậm chí dẫn trước cựu tổng thống trong một số cuộc thăm dò dư luận.
Cuộc tranh luận với bà Harris vào tháng 9 không mang về chiến thắng áp đảo cho ông Trump như trong lần đối đầu với ông Biden. Hai bên đều cho thấy những điểm mạnh và điểm yếu của mình, nhưng bà Harris được cho là có lợi thế hơn.
"Ông Trump thực sự chưa bị thử thách cho tới khi bà Harris tham gia cuộc đua", Seitchik nói.
Kết quả thăm dò trước bầu cử cho thấy cuộc cạnh tranh giữa ông Trump và bà Harris diễn ra sít sao và đầy kịch tính, đặc biệt ở 7 bang chiến trường quan trọng.
Tuy nhiên, kết quả cuối cùng cho thấy cuộc đua không sít sao như vậy. Trump nhanh chóng giành chiến thắng ở những bang truyền thống của đảng Cộng hòa cùng loạt bang chiến trường quan trọng. Truyền thông Mỹ xướng tên ông trở thành tổng thống thứ 47 vài tiếng sau khi quá trình kiểm phiếu bắt đầu.
"Chúng ta đêm nay đã làm nên lịch sử nhờ một yếu tố, đó là vượt qua những trở ngại mà không ai nghĩ có thể vượt qua", Trump nói tại lễ ăn mừng ở Florida ngày 6/11.
Theo BBC, CBS News, The Week