Các nước giàu đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, nhưng hai vấn đề đáng quan ngại nhất là sự già hóa và suy giảm của lực lượng lao động cùng với làn sóng người di cư đang ở biên giới. Không quốc gia nào có thể tự mình giải quyết cả hai vấn đề này.
Thực trạng ở các nước phát triển
Cách tiếp cận điển hình để giải quyết vấn đề già hóa và suy giảm lực lượng lao động là khuyến khích phụ nữ sinh thêm con. Tuy nhiên, nỗ lực của nhiều quốc gia trong vấn đề này đã trở nên vô ích.
Các chương trình hỗ trợ gia đình toàn diện và tốn kém nhất, chẳng hạn như của Pháp, Thụy Điển và Nga, hầu như không giúp đưa tỷ lệ sinh con trở lại mức mỗi hộ gia đình có 2 con.
Hiện nay, xu hướng toàn cầu này đang lan rộng từ Đông Á đến Tây Âu, kéo theo tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp.
Lý do rất đơn giản: Khi phụ nữ được hưởng nền giáo dục chuyên nghiệp, có công việc tốt, cùng với đó là việc chăm sóc con cái, giáo dục và nhà ở đều rất đắt đỏ, thì việc sinh 3 hay 4 con được cho là quá tốn kém, xét cả về chi phí thực tế và những cơ hội nghề nghiệp bị bỏ qua.
Các chuyên gia cho rằng, việc đạt mức sinh trung bình 2 con hiện nay khó thể trở thành hiện thực như thời kỳ bùng nổ dân số, khi mà giá nhà ở rẻ, giáo dục đại học miễn phí và phụ nữ gần như bị cấm làm bất cứ công việc nào khác ngoài nội trợ.
Tuy nhiên, các điều kiện này hiện đã thay đổi so với quá khứ.
Khi xem xét cuộc khủng hoảng di cư hiện nay, có thể thấy số lượng những người tìm cách chuyển từ các nước nghèo hơn sang các nước giàu hơn sẽ không giảm đi.
Cho dù vì mục đích tị nạn hay chỉ để tìm các công việc tốt hơn, số lượng người di cư sẽ chỉ ngày càng tăng lên.
- Thứ nhất, dân số trong độ tuổi lao động ở châu Phi, Trung Đông và châu Á - hiện là những khu vực có nhiều người nhập cư vào châu Âu và Bắc Mỹ nhất - sẽ tăng hơn 1 tỷ người trong 30 năm tới.
- Thứ hai, khi các nước nghèo ngày càng giàu lên, người dân ở đó sẽ được giáo dục và có các khoản tiết kiệm khiến họ càng mong muốn được ra nước ngoài.
Dựa trên xu hướng lịch sử là 3% dân số trở thành người di cư quốc tế, có thể dự đoán, trong 3 thập kỷ tới, sẽ có 33 triệu người tìm cách di cư, trong số đó có nhiều người sẽ chọn đến các nước giàu có.
Biến đổi khí hậu và xung đột chính trị có thể sẽ làm tăng con số này do tác động của chúng đến các khu vực dễ bị tổn thương nhất.
Tuy nhiên, 1 triệu người di cư mỗi năm là con số hoàn toàn có thể quản lý được.
Từ 1985-2010, chỉ riêng Mỹ đã tiếp nhận số lượng người di cư tương đương 1 triệu mỗi năm.
Xét tổng dân số của cả Mỹ, Canada, Australia và Liên minh châu Âu (EU), 1 triệu người di cư mỗi năm chiếm chưa đến 1/10 dân số mới, thậm chí không đủ để bù đắp cho những thiệt hại về nhân mạng mà nhiều quốc gia phải hứng chịu vì đại dịch Covid-19 và không đủ để bù đắp sự suy giảm dân số do mức sinh thấp.
Di cư không hẳn xấu
Quan niệm cho rằng việc tiếp nhận nhiều người di cư hơn sẽ khiến các nước giàu “tràn ngập” những người xa lạ chỉ là một chuyện hoang đường.
Câu chuyện này chỉ có thể trở thành sự thật bởi vì, khi một cuộc khủng hoảng đột ngột xảy ra ở các nước nghèo như hạn hán kéo dài ở Trung Mỹ hay cuộc chiến ở Syria, cùng với đó là việc thiếu vắng các thể chế cần thiết để quản lý dòng người di cư tăng đột biến, mọi người sẽ thấy hàng nghìn người di cư xếp hàng dài ở biên giới, tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Trên thực tế, mặc dù những giai đoạn như vậy đem lại nỗi sợ hãi về dòng người di cư, song thực tế là, sau những giai đoạn này, những người di cư được tiếp nhận sẽ hội nhập nhanh chóng, thậm chí hàng triệu người di cư vào Đức từ năm 2015-2016 hiện đã trở lại cuộc sống bình thường.
Nếu hầu hết các quốc gia chấp nhận dòng người di cư lớn hơn, thường xuyên hơn, có trật tự hơn và có năng lực để đối phó với những đợt người di cư tăng đột biến - vốn có thể dự đoán được do các cuộc xung đột và thiên tai không xảy ra thường xuyên - thì tình trạng hỗn loạn sẽ không xảy ra.
Thực tế là, việc tiếp nhận thêm nhiều người di cư hợp pháp hơn sẽ giúp giải quyết tình trạng già hóa và suy giảm lực lượng lao động, cũng như tình trạng người di cư đổ xô tới biên giới.
Ngay cả khi tiếp nhận 1 triệu người di cư hợp pháp đến các nước giàu mỗi năm, con số này sẽ chỉ làm chậm lại chứ không phải đảo ngược quá trình già hóa và suy giảm dân số, đặc biệt là khi những người di cư không còn là các hộ gia đình đông con, thay vào đó, họ nhanh chóng "tiếp nhận" mức sinh của quốc gia mà họ đến.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn những con số đối với sự thịnh vượng trong tương lai của các quốc gia giàu có là năng lực sản xuất của người nhập cư, vốn được coi là thế mạnh của họ và gia đình.
Trong giai đoạn 1985-2010, khi dân số Mỹ tăng 1 triệu người di cư mỗi năm, Mỹ đã chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh, khởi động các cuộc cách mạng về chất bán dẫn và truyền thông, đồng thời phát triển các công ty truyền thông xã hội hiện đang chiếm lĩnh thế giới.
Nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới này phụ thuộc vào người nhập cư và con cái của họ, dù là người sáng lập hay công nhân lành nghề.
Trong khi những người nhập cư có tay nghề cao thúc đẩy sự đổi mới và xây dựng các công ty mới, những người nhập cư không có tay nghề lại là lực lượng lao động thiết yếu trong lĩnh vực chăm sóc trẻ em và người già, vốn cần thiết để giúp phụ nữ đóng góp tối đa vào nền kinh tế.
Người nhập cư cũng rất cần thiết cho những công việc quan trọng như tài xế xe tải, những công việc mà người lao động bản xứ không còn muốn làm.
Nếu thiếu họ, nền kinh tế có thể bị "bóp nghẹt".
Hơn nữa, lo ngại rằng người nhập cư sẽ thay đổi các giá trị của quốc gia mà họ đến là hoàn toàn không có cơ sở.
Với cơ hội làm việc và thành công, người nhập cư thường đón nhận các giá trị của đất nước mà họ coi là quê hương mới.
Cũng như các cử tri gốc Tây Ban Nha ở Mỹ, những người ủng hộ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, hay Rishi Sunak - con của những người nhập cư và hiện đang là Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ Bảo thủ ở Anh, những người nhập cư thường trở thành những người bảo thủ bảo vệ mạnh mẽ cho lý tưởng của đất nước mới của họ.
Nói tóm lại, việc tạo ra các con đường nhập cư an toàn, hợp pháp và quy mô lớn hơn sẽ giải quyết được các vấn đề quan trọng.
Việc phản đối nhập cư, mặc dù được coi như một giải pháp, là một sai lầm bởi làm như vậy chỉ càng khiến vấn đề già hóa dân số và khủng hoảng ở biên giới tiếp tục trầm trọng hơn.
Báo Quốc Tế (theo National Interest)