Chương 8: Việc thực thi và tác động của các chính sách tòa án (Phần 3)

TÁC ĐỘNG CỦA CÁC CHÍNH SÁCH CỦA TÒA ÁN

Quy trình đúng trong tố tụng hình sự

Chính sách của tòa án đưa ra trong lĩnh vực quy trình tố tụng hình sự đúng có liên quan chặt chẽ nhất tới nhiệm kỳ Chánh án Tòa án tối cao của Earl Warren (1953-1969). Khi nói về kỷ nguyên này, Archibald Cox, một luật sư đại diện của chính phủ tại Tòa án tối cao, đã phát biểu rằng “Chưa từng có một cuộc cải cách toàn diện nào về quy trình tố tụng hình sự trong một thời gian ngắn như vậy”. Các phán quyết của Tòa án tối cao dưới thời của Warren chủ yếu nhằm mục đích thay đổi những thủ tục mà các bang tiến hành trong quan hệ với các bị cáo hình sự. Tới thời điểm Warren rời Tòa án tối cao, nhiều chính sách mới đã được tạo ra liên quan tới một phạm vi rộng các hoạt động; trong số những chính sách có ảnh hưởng rộng rãi nhất có phán quyết của các vụ Mapp kiện Ohio (1961), Gideon kiện Wainwright, và Miranda kiện Arizona.

Phán quyết Mapp đã mở rộng quy tắc loại trừ, đã được áp dụng cho chính phủ liên bang trong một vài năm, để áp dụng tại các bang. Quy tắc này yêu cầu các tòa án bang phải loại trừ những chứng cứ trước tòa mà cảnh sát có được một cách bất hợp pháp. Mặc dù một số sở cảnh sát, đặc biệt trong những đô thị lớn, đã cố gắng đưa ra các hướng dẫn cụ thể cho các nhân viên của mình để tuân thủ những quy định trong việc thu thập chứng cứ, song những nỗ lực này không phải được tiến hành ở mọi nơi. Do sự đa dạng trong công việc của cảnh sát và sự diễn giải khác nhau của các tòa cấp dưới về những gì được coi là quá trình tìm kiếm và thu thập chứng cứ hợp lệ, nên việc thi hành phán quyết Mapp là không nhất quán trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ.

Có lẽ yếu tố quan trọng hơn góp phần vào việc làm giảm tác động mong muốn của phán quyết Mapp là do thiếu sự ủng hộ vững chắc đối với quy tắc loại trừ trong số các thẩm phán Tòa án tối cao. Phán quyết này ngay từ đầu đã không phải là một quyết định được tất cả nhất trí, và trong vài năm một số thẩm phán đã công khai chỉ trích quy tắc loại trừ. Hơn nữa, các phán quyết tiếp sau của Tòa án tối cao đã mở rộng phạm vi của việc thu thập chứng cứ hợp lệ, từ đó hạn chế khả năng áp dụng quy tắc này.

Phán quyết của vụ Gideon kiện Wainwright tuyên bố rằng các bị cáo nghèo không có khả năng thuê luật sư phải có luật sư bào chữa khi họ bị xét xử trong một vụ án hình sự nghiêm trọng tại các tòa án bang. Có rất nhiều bang đã thường xuyên cung cấp luật sư trong những phiên xét xử kiểu này thậm chí trước cả khi có phán quyết của Tòa án tối cao. Các bang khác bắt đầu tuân thủ theo rất nhiều cách. Những chương trình cung cấp luật sư bào chữa của chính quyền đã được xây dựng ở nhiều nơi. Tại các vùng khác, các hiệp hội luật sư địa phương đã hợp tác với các thẩm phán để thực thi một số biện pháp nhằm tuân thủ chính sách mới của Tòa án tối cao.

Tác động của phán quyết Gideon là rõ ràng hơn và nhất quán hơn so với tác động của phán quyết Mapp. Một nguyên nhân không thể phủ nhận là do nhiều bang đã thực hiện chính sách của phán quyết Gideon trước cả khi nó được đưa ra. Chính sách này đơn giản là được chấp nhận rộng rãi hơn so với quy tắc được tạo ra bởi phán quyết Mapp. Mặc dù Tòa án tối cao không quy định cụ thể phải cung cấp cho bị cáo một luật sư bào chữa của chính quyền hay một luật sư do tòa chỉ định, song điều rõ ràng là bị cáo phải có được sự giúp đỡ của một luật sư bào chữa. Bên cạnh đó, Tòa án tối cao dưới nhiệm kỳ của Chánh án kế tiếp, Warren Burger (1969- 1986), đã không rút lại chính sách cung cấp luật sư cho các bị cáo nghèo được đưa ra dưới thời của Earl Warren như nó đã làm đối với quy định liên quan tới việc tìm kiếm và thu thập chứng cứ được đưa ra bởi phán quyết Mapp.

Trong vụ Miranda kiện Arizona, Tòa án tối cao đã tiến một bước xa hơn, phán quyết rằng các nhân viên cảnh sát, khi bắt giữ người bị tình nghi, phải thông báo với họ về quyền hợp hiến của họ, một trong số đó là quyền có luật sư đại diện trong quá trình thẩm vấn. Những người bị tình nghi cũng phải được thông báo rằng họ có quyền giữ im lặng và rằng bất cứ lời nào họ nói ra có thể được sử dụng để chống lại họ trước tòa; rằng nếu họ không thể thuê được luật sư, họ sẽ được cung cấp một luật sư với phí tổn do bang chi trả; và rằng họ có quyền ngừng trả lời thẩm vấn tại bất kỳ thời điểm nào. Những yêu cầu này được nêu lên rõ ràng đến mức các sở cảnh sát đã viết chúng vào thẻ dành cho các nhân viên cảnh sát để họ mang theo bên người. Và sau đó, mỗi khi bắt giữ người bị tình nghi, các nhân viên cảnh sát chỉ việc lấy thẻ ra và đọc cho người bị tình nghi nghe các quyền của họ.

Tác động của phán quyết Gideon là rõ ràng hơn và nhất quán hơn so với tác động của phán quyết Mapp. Một nguyên nhân không thể phủ nhận là do nhiều bang đã thực hiện chính sách của phán quyết Gideon trước cả khi nó được đưa ra. Chính sách này đơn giản là được chấp nhận rộng rãi hơn so với quy tắc được tạo ra bởi phán quyết Mapp. Mặc dù Tòa án tối cao không quy định cụ thể phải cung cấp cho bị cáo một luật sư bào chữa của chính quyền hay một luật sư do tòa chỉ định, song điều rõ ràng là bị cáo phải có được sự giúp đỡ của một luật sư bào chữa. Bên cạnh đó, Tòa án tối cao dưới nhiệm kỳ của Chánh án kế tiếp, Warren Burger (1969- 1986), đã không rút lại chính sách cung cấp luật sư cho các bị cáo nghèo được đưa ra dưới thời của Earl Warren như nó đã làm đối với quy định liên quan tới việc tìm kiếm và thu thập chứng cứ được đưa ra bởi phán quyết Mapp.

Trong vụ Miranda kiện Arizona, Tòa án tối cao đã tiến một bước xa hơn, phán quyết rằng các nhân viên cảnh sát, khi bắt giữ người bị tình nghi, phải thông báo với họ về quyền hợp hiến của họ, một trong số đó là quyền có luật sư đại diện trong quá trình thẩm vấn. Những người bị tình nghi cũng phải được thông báo rằng họ có quyền giữ im lặng và rằng bất cứ lời nào họ nói ra có thể được sử dụng để chống lại họ trước tòa; rằng nếu họ không thể thuê được luật sư, họ sẽ được cung cấp một luật sư với phí tổn do bang chi trả; và rằng họ có quyền ngừng trả lời thẩm vấn tại bất kỳ thời điểm nào. Những yêu cầu này được nêu lên rõ ràng đến mức các sở cảnh sát đã viết chúng vào thẻ dành cho các nhân viên cảnh sát để họ mang theo bên người. Và sau đó, mỗi khi bắt giữ người bị tình nghi, các nhân viên cảnh sát chỉ việc lấy thẻ ra và đọc cho người bị tình nghi nghe các quyền của họ.

Về việc các nhân viên cảnh sát đọc các quyền theo phán quyết Miranda cho những người mà họ bắt giữ, có một mức độ tuân thủ rất cao của cảnh sát đối với chính sách của Tòa án tối cao. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu đã đặt câu hỏi về tác động của phán quyết Miranda do cách thức theo đó những người bị tình nghi có thể được thông báo về quyền của họ. Đọc cho một người nghe các quyền của họ từ một tấm thẻ là một việc; song giải thích cho họ yêu cầu của Tòa án tối cao có nghĩa là gì và sau đó cố gắng làm cho người bị tình nghi hiểu được chúng lại là một việc khác. Nếu xem xét vấn đề theo khía cạnh này, tác động của chính sách được đưa ra trong phán quyết Miranda không hẳn là rõ rệt.

Tòa án tối cao dưới thời của Burger không tỏ rõ khuynh hướng ủng hộ mạnh mẽ chính sách được đưa ra bởi phán quyết Miranda của Tòa án tối cao dưới thời Warren. Mặc dù phán quyết Miranda không bị bác bỏ, song tác động của nó đã bị hạn chế phần nào. Một ví dụ là trong phán quyết của vụ Harris kiện New York (1971), Tòa án tối cao của Burger đã phán quyết rằng những lời khai được đưa ra bởi một cá nhân chưa được thông báo về các quyền của họ theo luật Miranda có thể được sử dụng để kiểm tra mức độ tin cậy của những lời khai của người đó trước tòa. Sau đó, Tòa án tối cao, dưới sự lãnh đạo của Chánh án William Rehnquist (1986- ), đã phán quyết trong vụ Davis kiện Hoa Kỳ (1994) rằng cảnh sát không bắt buộc phải dừng thẩm vấn một người bị tình nghi, người đưa ra yêu cầu không rõ ràng về việc có một luật sư đại diện.

Quốc hội đã phản ứng lại với phán quyết Miranda, hai năm sau khi phán quyết này được đưa ra, bằng việc thông qua một quy chế mà trên thực tế đã khiến cho việc chấp nhận lời khai của một người bị tình nghi chỉ có thể bị thay đổi dựa trên cơ sở chúng có được đưa ra một cách tự nguyện hay không. Quy chế này hầu như không được chú ý đến cho tới năm 1999, khi Tòa phúc thẩm lưu động khu vực, trong một vụ án liên quan tới một người bị buộc tội cướp nhà băng - người này đã phủ nhận một lời khai của ông ta với FBI dựa trên lập luận rằng ông ta đã không nhận được “lời cảnh báo Miranda” trước khi bị thẩm vấn - đã phán quyết rằng quy chế này là phù hợp, bởi lời khai của ông ta là tự nguyện. Quyết định của tòa phúc thẩm đã đặt ra một câu hỏi, rằng nên tuân theo quy chế của Quốc hội hay phán quyết Miranda của Tòa án tối cao? Vào ngày 2 tháng Sáu 2000, Tòa án tối cao Hoa Kỳ tuyên bố rằng phán quyết Miranda, với tư cách là một quyết định hợp hiến của Tòa án tối cao, không thể bị bác bỏ trên thực tế bởi một đạo luật của Quốc hội. Nói cách khác, phán quyết Miranda vẫn chi phối việc chấp nhận các lời khai được đưa ra trong quá trình thẩm vấn can phạm tại các tòa án bang và liên bang.

Nói tóm lại, tác động của các chính sách tư pháp trong lĩnh vực hình sự do Tòa án tối cao đưa ra là lẫn lộn, vì một vài lý do. Trong một số trường hợp, tính mập mờ, không rõ ràng của chúng là một nguyên nhân. Trong những trường hợp khác, nguyên nhân là do thiếu sự ủng hộ vững chắc của các thẩm phán hoặc sự ủng hộ bị giảm đi khi những người mới lên nắm quyền ở Tòa án tối cao. Tất cả những thay đổi này đã dẫn tới một phạm vi tùy quyền lớn hơn cho những người thực thi.

Nạo phá thai

Trong vụ Roe kiện Wade (1973), Tòa án tối cao đã phán quyết rằng một phụ nữ có quyền tuyệt đối trong việc nạo phá thai trong ba tháng đầu tiên mang thai; rằng một bang có thể điều tiết các thủ tục nạo phá thai trong thời kỳ ba tháng mang thai tiếp theo để bảo đảm sức khỏe cho người mẹ; và rằng, trong ba tháng thai nghén cuối cùng, bang có thể quy định hạn chế hoặc cấm việc nạo phá thai, trừ phi tính mạng hoặc sức khỏe của người mẹ bị đe dọa.

Phản ứng đối với phán quyết này là tức thời, và chủ yếu là tiêu cực. Nó được thể hiện dưới hình thức các lá thư gửi tới cá nhân các thẩm phán, các bài phát biểu công khai, việc đưa ra các nghị quyết tại Quốc hội, và phong trào tuyên truyền vận động cho các tu chính án về “quyền được sống” tại Quốc hội. Xét tới bản chất gây tranh cãi trong phán quyết này của Tòa án, các bệnh viện đã không tận lực ủng hộ cho phán quyết này bằng việc thay đổi chính sách nạo phá thai của họ.

Phản ứng đối với chính sách về nạo phá thai của Tòa án tối cao không chỉ vẫn tiếp tục mà còn mở rộng tới những phạm vi mới. Những cuộc bầu cử tổng thống gần đây đã chứng kiến các diễn đàn và ứng cử viên của hai đảng chủ chốt đưa ra những quan điểm trái ngược nhau về vấn đề nạo phá thai. Diễn đàn và ứng cử viên của Đảng Dân chủ nhìn chung đồng tình với phán quyết của vụ Roe kiện Wade, trong khi diễn đàn và các đối thủ Đảng Cộng hòa lại cho thấy sự phản đối trước quyết định của Tòa án tối cao.

Quốc hội cũng là một lò lửa của những hoạt động phản ứng lại trước phán quyết của Tòa án tối cao về nạo phá thai. Không thể bảo đảm việc thông qua một tu chính án Hiến pháp để bác bỏ phán quyết Roe kiện Wade, những lực lượng chống việc nạo phá thai - cũng được biết đến dưới cái tên “những lực lượng ủng hộ quyền sống” - đã thành công trong việc vận động thông qua những điều khoản sửa đổi đối với các dự luật chuẩn chi để ngăn cản việc chi tiêu cho quỹ của liên bang dành cho việc nạo phá thai theo mong muốn. Năm 1980, Tòa án tối cao đã phán quyết rằng sự ngăn cản này là không hợp hiến, với tỷ lệ 5 phiếu thuận và 4 phiếu chống.

Phần lớn các đạo luật ra đời do tác động của phán quyết Roe đều là ở cấp bang. Theo một nghiên cứu cho thấy, trong vòng hai năm sau khi phán quyết Roe ra đời, 32 bang đã thông qua 62 đạo luật liên quan tới việc nạo phá thai, phần lớn đều nhằm hạn chế tiếp cận đối với việc nạo phá thai, điều tiết các thủ tục nạo phá thai, hoặc cấm nạo phá thai trong những điều kiện nhất định.

Các nhóm lợi ích đã tăng cường hoạt động hết sức mạnh mẽ sau khi có phán quyết Roe. Các nhóm phản đối quyết định này thường tổ chức những cuộc biểu tình công khai chống lại phán quyết và sau đó bắt đầu đứng chặn tại các cơ sở y tế. Các nhóm lợi ích ủng hộ phán quyết này thường tập trung nỗ lực của họ nhiều hơn vào các tòa án.

Trong khi các trận chiến xung quanh vấn đề nạo phá thai đang diễn ra tại các phiên tòa, các chiến dịch vận động chính trị và các cơ quan lập pháp, những người khác thích một cách tiếp cận trực tiếp hơn đã biểu tình trước các trung tâm nạo phá thai và phong tỏa những trung tâm này. Tuy nhiên, Tòa án tối cao đã phán quyết rằng có thể sẽ phải đặt ra những giới hạn phù hợp về mặt thời gian, địa điểm và cách thức đối với các cuộc biểu tình này. Quan điểm này đã được tái khẳng định vào ngày 28 tháng Sáu 2000, khi Tòa án tối cao bác bỏ một quy định của bang Colorado, tuyên bố rằng hành động của một người tiếp cận một cách có chủ ý một người khác mà không được họ đồng tình để phát tờ rơi, trưng bày một biểu ngữ, hoặc phản đối miệng trong vòng 100 feet (khoảng 30m) xung quanh một cơ sở y tế là bất hợp pháp.

Kết luận

Một số chính sách của tòa án có tác động lớn hơn tới xã hội so với những chính sách khác. Trong việc xây dựng các chính sách của đất nước, hệ thống tư pháp đóng một vai trò quan trọng hơn so với những gì mà những người xây dựng khuôn khổ của Hiến pháp hình dung. Tuy nhiên, “các tòa án Mỹ không phải là những thể chế có quyền lực tuyệt đối”, Gerald N. Rosenberg đã viết như vậy trong tác phẩm nhan đề Hy vọng hão huyền: Các tòa án có thể mang lại sự thay đổi xã hội hay không? Hollow Hope: Can Courts Bring About Social Change? “Chúng được thiết kế với những hạn chế nghiêm ngặt và được đặt trong một hệ thống phân chia quyền lực. Đòi hỏi chúng tạo ra những cải cách xã hội có ý nghĩa đồng nghĩa với việc phải quên đi lịch sử của chúng và bỏ qua những hạn chế của chúng”.

Bên trong khuôn khổ phức tạp của các đòi hỏi và kỳ vọng về chính trị và xã hội cạnh tranh nhau này là vai trò hoạch định chính sách của tòa án. Bởi vì hai ngành khác trong chính quyền đôi khi không dễ tiếp nhận những đòi hỏi của một số tầng lớp nhất định trong xã hội, nên lựa chọn duy nhất của các cá nhân hoặc nhóm này là hướng tới tòa án. Một ví dụ là các tổ chức nhân quyền đã không có được tiến triển thực sự cho tới khi họ phát hiện ra rằng Tòa án tối cao là một diễn đàn ủng hộ cho những nỗ lực của họ nhằm xóa bỏ sự phân biệt đối xử tại trường học.

Do các nhóm hoạt động nhân quyền đã đạt được một số thành công tại các tòa án liên bang, các nhóm khác cũng được khuyến khích tiến hành việc kiện tụng như một chiến lược. Ví dụ, các nhóm ủng hộ quyền của phụ nữ đã bắt chước mô hình được đưa ra bởi các nhóm thiểu số khi họ bắt đầu đệ trình những khiếu kiện và bất bình của mình lên trước tòa. Như vậy, quá trình mở đầu bằng việc theo đuổi ở phạm vi hẹp quyền bình đẳng chủng tộc đã được mở rộng ra thành một cuộc tìm kiếm sự bình đẳng chung cho các nhóm bị thiệt thòi khác trong xã hội.

Khi đó, các tòa án rõ ràng có thể tuyên bố những quyết sách thu hút được sự quan tâm của cả quốc gia và có lẽ nhấn mạnh thực tế rằng các nhà hoạch định chính sách khác đã thất bại trong công việc của mình. Theo cách thức này, hệ thống tư pháp có thể yêu cầu các ngành còn lại thực thi quyền lực hoạch định chính sách của mình. Các quyết định tiếp theo sau cho thấy quyết tâm của ngành tư pháp trong việc theo đuổi một chính sách cụ thể và giúp duy trì lời yêu cầu các nhà hoạch định chính sách khác cùng tham gia vào nỗ lực này.

Tóm lại, có thể thấy rằng các tòa án dường như thích hợp nhất trong vai trò xây dựng và thực thi các chính sách hẹp mà về bản chất ít gây tranh cãi. Chính sách được đưa ra trong phán quyết Gideon là một ví dụ điển hình. Quyết định về việc các bị cáo nghèo bị xét xử tại các phiên tòa hình sự của bang phải được cung cấp một luật sư biện hộ không gặp phải bất kỳ sự phản đối mạnh mẽ nào. Hơn nữa, nó là một chính sách chủ yếu đòi hỏi sự ủng hộ của các thẩm phán và luật sư; hành động của Quốc hội và tổng thống là không cần thiết. Ngược lại, chính sách về quyền bình đẳng cho tất cả mọi tầng lớp trong xã hội là một chính sách có phạm vi quá rộng và gây nhiều tranh cãi tới mức nó phải vượt ra khỏi phạm vi của tòa án. Và khi điều này xảy ra, các tòa án đơn giản chỉ trở thành một bộ phận, cho dù là một bộ phận quan trọng, của quá trình ra quyết định.

Tin tức Mỹ

Đăng ký tư vấn

Anh/Chị có bất kỳ thắc mắc về chương trình đầu tư định cư các nước, vui lòng đăng ký vào form bên dưới hoặc liên hệ với công ty USIS, chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận và giải đáp tất cả các câu hỏi của Anh/Chị.

Xin vui lòng liên hệ [email protected] hoặc điện thoại:

Việt Nam: 0909 337 657

Vui lòng để lại thông tin của bạn dưới đây