Chương 7: Các thẩm phán liên bang (Phần 3)

VIỆC NGHỈ HƯU VÀ TỪ NHIỆM CỦA CÁC THẨM PHÁN

Các thẩm phán ngừng thực hiện những nhiệm vụ xét xử của mình khi nghỉ hưu theo nguyện vọng hoặc do tình trạng sức khỏe yếu kém hay qua đời, hoặc khi họ phải chịu sự kỷ luật của những người khác.

Hành động kỷ luật đối với các thẩm phán liên bang

Tất cả các thẩm phán liên bang được bổ nhiệm theo quy định trong Điều III của Hiến pháp đều được giữ chức vụ đó “trong thời gian có hành vi chính đáng”, có nghĩa là họ sẽ được giữ chức vụ đó suốt đời hoặc cho đến khi họ muốn ngừng lại. Cách thức duy nhất khiến họ phải từ nhiệm là thông qua việc luận tội (cáo buộc bởi Hạ viện) và kết tội bởi Thượng viện. Theo quy định của Hiến pháp (đối với các thẩm phán Tòa án tối cao) và các tiêu chuẩn lập pháp (đối với thẩm phán tòa phúc thẩm và sơ thẩm), việc luận tội có thể được tiến hành đối với những tội danh “phản quốc, nhận hối lộ hoặc những tội mức độ cao và nghiêm trọng khác”. Thẩm phán bị luận tội sẽ có thể bị xét xử tại Thượng viện, nơi sẽ kết án họ bằng hai phần ba số phiếu thuận của các thành viên có mặt.

Từ năm 1789, Hạ viện chỉ khởi xướng thủ tục luận tội đối với 13 thẩm phán - mặc dù có một số lượng tương tự các thẩm phán đã từ chức trước khi có hành động chính thức chống lại họ. Trong số 13 trường hợp này, chỉ có 7 trường hợp bị kết tội, và những người bị kết tội đã bị cách chức.

Mặc dù chỉ có rất ít các hành động phạm tội công khai của các thẩm phán, song có một “vùng đệm” các hành vi sai trái có thể đặt các thẩm phán vi phạm ở những mức độ nào đó giữa những hành vi có thể chấp nhận được và hành vi có thể bị luận tội. Cần phải làm gì với những thẩm phán liên bang xét xử một vụ kiện bất chấp sự xung đột rõ ràng về lợi ích, một thẩm phán thường thể hiện sự thiên vị trong phòng xử án, một thẩm phán mà những thói quen cá nhân thường gây tác động tiêu cực tới việc xét xử của ông / bà ta tại tòa án? Về mặt lịch sử, hầu như không có hành động nào khác được tiến hành đối với những trường hợp như vậy ngoài việc các đồng sự của họ đưa ra một lời khiển trách. Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, đã có những biện pháp kỷ luật đối với các thẩm phán.

Vào ngày 1 tháng Mười 1980, một quy định mới của Quốc hội đã có hiệu lực. Với tên gọi “Đạo luật về cải cách các hội đồng thẩm phán và về hành vi và sự không đủ tư cách của thẩm phán”, luật này có hai phần riêng biệt. Phần thứ nhất ủy quyền cho Hội đồng thẩm phán tại mỗi hạt, bao gồm các thẩm phán của tòa phúc thẩm và sơ thẩm do chánh án của hạt đứng đầu, được “đưa ra những quy định phù hợp và cần thiết để bảo đảm việc thực thi luật pháp hiệu quả và nhanh chóng trong hạ t của mình”. Phần thứ hai của đạo luật quy định một trình tự khiếu kiện về mặt pháp lý chống lại các thẩm phán. Nói một cách ngắn gọn, nó cho phép một bên không đồng tình trong vụ kiện được đệ đơn khiếu nại lên viên lục sự của tòa phúc thẩm. Chánh án sau đó sẽ xem xét lời cáo buộc và có thể bác bỏ nếu nó tỏ ra không đúng đắn hoặc vì rất nhiều lý do khác. Nếu lời khiếu nại tỏ ra có cơ sở, chánh án sẽ phải chỉ định một ủy ban điều tra bao gồm bản thân ông / bà ta và một số lượng bằng nhau các thẩm phán tòa sơ thẩm và tòa phúc thẩm. Sau khi điều tra, ủy ban này sẽ báo cáo cho hội đồng, và hội đồng sẽ có một số lựa chọn: thẩm phán có thể được miễn tội; nếu người vi phạm là một thẩm phán hoặc chánh án của bang, ông / bà ta có thể bị cách chức; và một thẩm phán được bổ nhiệm theo Điều III của Hiến pháp có thể phải chịu sự khiển trách hoặc phê bình riêng tư hoặc công khai, tuyên bố không đủ tư cách, hoặc cấm xét xử trong các vụ việc khác. Tuy nhiên, không được phép cách chức thẩm phán được bổ nhiệm theo Điều III của Hiến pháp; việc luận tội vẫn là cách thức duy nhất. Nếu hội đồng quyết định rằng hành vi vi phạm có thể tạo ra cơ sở cho việc luận tội, hội đồng sẽ thông báo cho Hội nghị tư pháp, và Hội nghị này sẽ chuyển vụ việc cho Hạ viện Hoa Kỳ để xem xét.

Tình trạng không đủ tư cách pháp lý của các thẩm phán liên bang

Có lẽ việc thuyết phục những người đã quá già và không còn đủ sự quyết đoán để thực thi chức trách thẩm phán một cách hiệu quả rời bỏ chức vụ của họ còn phức tạp hơn cả việc cách chức các thẩm phán vì những hành vi sai phạm. Quốc hội đã cố gắng - với đôi chút thành công - khuyến khích nhiều thẩm phán cao tuổi nghỉ hưu bằng việc dành cho họ những lợi ích vật chất hấp dẫn khi nghỉ hưu. Từ năm 1984, các thẩm phán liên bang được phép nghỉ hưu mà vẫn được hưởng nguyên lương và phúc lợi theo cái gọi là quy tắc 80; có nghĩa là khi tổng số tuổi và số năm hành nghề thẩm phán của họ là 80. Quốc hội cũng cho phép các thẩm phán chuyển sang ngạch chuyên viên cao cấp thay vì nghỉ hưu hoàn toàn. Để đổi lấy việc giảm khối lượng các vụ xét xử, họ được phép giữ lại văn phòng và các nhân viên và - quan trọng không kém - duy trì uy tín và lòng tự hào về việc vẫn là một thẩm phán đương nhiệm.

Các thẩm phán thường chọn thời điểm để từ chức khi đảng của họ kiểm soát được tổng thống, và như vậy họ sẽ được thay thế bởi một thẩm phán có định hướng tương tự về pháp luật và chính trị. Một nghiên cứu tiến hành năm 1990 đã phát hiện thấy rằng, đặc biệt từ năm 1954, “tỷ lệ các thẩm phán nghỉ hưu / từ chức bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những cân nhắc về mặt chính trị / ý thức hệ, và liên hệ chặt chẽ với tính đảng phái”, và do vậy đã chỉ ra rằng rất nhiều thẩm phán coi bản thân họ như một phần của sự liên kết chính sách giữa nhân dân, quy trình bổ nhiệm thẩm phán, và các quyết định tiếp theo của các thẩm phán và chánh án.

PHẨM CHẤT VÀ NỀN TẢNG XUẤT THÂN CỦA CÁC THẨM PHÁN BANG

Phần lớn luật lệ và hiến pháp bang hầu như không quy định những điều kiện khắt khe đối với thẩm phán bang. Đa số các bang không quy định thẩm phán hòa giải hoặc tiểu hình của họ phải có bằng tốt nghiệp trường luật, nhưng những bằng cấp này hầu hết đều được yêu cầu (chính thức hoặc trên thực tế) đối với các thẩm phán tòa sơ thẩm và phúc thẩm.

Mặc dù phụ nữ chiếm một tỷ lệ lớn hơn trong dân số Mỹ và dù đã có sự tăng lên mạnh mẽ về số lượng phụ nữ làm việc trong ngành luật trong những thập kỷ gần đây, phụ nữ vẫn chỉ chiếm một tỷ lệ đại diện ít ỏi và không tương xứng trong nghề thẩm phán. Những phụ nữ đã từng đảm nhiệm chức vụ thẩm phán bang thường có nhiều khả năng trở thành thẩm phán ở các tòa cấp thấp hơn so với khả năng được phục vụ tại các tòa án tối cao, mặc dù điều này là rất khác nhau giữa các bang. Cho tới giữa những năm 1990, chỉ có khoảng 14% các thẩm phán bang là phụ nữ và 6% thuộc nhóm người Mỹ gốc Phi, người Mỹ gốc Tây Ban Nha - Bồ Đào Nha hoặc người Mỹ gốc Á.

Các thẩm phán bang, giống như những đồng sự cấp liên bang của mình, thường ở lại nơi mà họ đã trưởng thành và được học hành. Có khoảng ba phần tư số thẩm phán bang được sinh ra tại bang mà họ hiện đang công tác, và chỉ có chưa đầy một phần ba đi khỏi bang để theo học đại học hoặc lấy bằng luật. Thiên hướng đối với chủ nghĩa địa phương cũng được phản ánh trong mẫu hình kinh nghiệm công tác mà các thẩm phán bang mang theo tới chức vụ thẩm phán của mình. Ví dụ, trong số các thẩm phán của tòa án tối cao của bang, chỉ có 13% đã từng là các thẩm phán liên bang, trong khi 93% có ít nhiều kinh nghiệm với tư cách là thẩm phán bang.

Các thẩm phán thường ở vào độ tuổi trung niên khi họ đảm nhiệm chức vụ thẩm phán. Các thẩm phán tòa sơ thẩm của bang thường ở độ tuổi 46 khi họ trở thành thẩm phán, gần tương ứng với độ tuổi 49 của các thẩm phán sơ thẩm liên bang. Các thẩm phán tòa phúc thẩm của bang lớn tuổi hơn một chút so với các thẩm phán tòa sơ thẩm - thường ở độ tuổi 53 khi trở thành thẩm phán, cũng gần bằng với các thẩm phán tòa phúc thẩm của liên bang.

Có hơn một nửa các thẩm phán tòa sơ thẩm bang đảm nhiệm chức vụ thẩm phán khi đang hành nghề luật trong khu vực tư nhân, và khoảng một phần tư thăng tiến từ chức vụ thẩm phán cấp thấp hơn tại tòa, ví dụ như vị trí thẩm phán tiểu hình. Trong số những người hành nghề luật, hầu hết đều là về các vấn đề luật pháp chung chứ không chuyên sâu. Có khoảng một phần năm được tuyển chọn từ đội ngũ các luật sư của hạt, và chỉ 3% đếm từ lĩnh vực luật hình sự tư nhân. Trong số những người được bổ nhiệm làm thẩm phán tòa án tối cao của bang, gần hai phần ba đã đảm nhiệm chức vụ thẩm phán tòa phúc thẩm trung gian hoặc các tòa sơ thẩm của bang.

QUY TRÌNH TUYỂN CHỌN CÁC THẨM PHÁN BANG

Tại cấp bang, có rất nhiều phương pháp được sử dụng để lựa chọn thẩm phán, và mỗi phương pháp trong số này đều có rất nhiều sự hoán vị. Về cơ bản, có năm con đường đến với chức vụ thẩm phán tại bất kỳ bang nào trong số 50 bang của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ: tuyển cử theo đảng phái, tuyển cử không qua đảng phái, tuyển chọn theo công trạng, bổ nhiệm của thống đốc và bổ nhiệm bởi cơ quan lập pháp bang.

Việc tuyển cử các thẩm phán

Việc tuyển cử các thẩm phán, trên cơ sở bỏ phiếu theo đảng phái hoặc phi đảng phái, là một quy phạm của các bang. Phương pháp này trở nên phổ biến trong thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Andrew Jackson (1829-1837), một kỷ nguyên trong đó người Mỹ tìm cách dân chủ hóa quy trình chính trị. Tuy nhiên, trên thực tế, các lãnh đạo đảng phái chính trị thường coi việc tuyển cử các thẩm phán là một hình thức bảo trợ gián tiếp để thưởng công cho những người trung thành với đảng phái. Tương tự, những thẩm phán phải tham gia vận động cho cuộc tuyển cử thường buộc phải tìm kiếm những khoản quyên góp cho chiến dịch vận động của mình từ những luật sư và hãng luật mà sau đó sẽ xuất hiện trước mặt họ tại tòa án - nguồn gốc gây ra xung đột lợi ích tiềm tàng. Cuối cùng, số lượng người đi bầu trong các cuộc tuyển cử thẩm phán thường vô cùng thấp. Các cử tri có thể biết được ai là người họ ưa thích trong các cuộc bầu cử tổng thống, thành viên Quốc hội hoặc thượng nghị sĩ bang, nhưng họ thường không biết về những người ra ứng cử cho chức vụ thẩm phán bang.

Như là một phần của trào lưu Tiến bộ trong những năm đầu thế kỷ XX, các nhà cải cách đã cố gắng tách tính đảng phái ra khỏi các cuộc tuyển cử thẩm phán bằng việc cho phép các thẩm phán ra ứng cử trên cơ sở phi đảng phái. Về nguyên tắc, họ có thể ra tranh cử dựa trên cơ sở những tư tưởng và năng lực phẩm chất của mình, chứ không dựa trên việc họ là thành viên của đảng nào. Nhưng ngay cả ở những bang tiến hành tuyển cử trên cơ sở phi đảng phái này, các đảng chính trị cũng thường ủng hộ những ứng cử viên thẩm phán độc lập và đóng góp vào chiến dịch vận động của họ, bởi vậy các ứng cử viên cũng được nhận biết là gắn với một đảng chính trị này hoặc một đảng chính trị khác.

Tuyển lựa theo công trạng

Việc tuyển lựa theo công trạng được sử dụng từ đầu những năm 1900 như một biện pháp ưa thích để lựa chọn các thẩm phán. Bang đầu tiên áp dụng triệt để phương pháp này là Missouri vào năm 1940, và từ đó trở đi, các cơ chế tuyển lựa như vậy đã được biết đến như là những biến thể đồng biến của “Kế hoạch Missouri”.

Các bang áp dụng những cơ chế theo kiểu của Missouri sử dụng kết hợp các hình thức tuyển cử và bổ nhiệm. Thống đốc bổ nhiệm một thẩm phán từ rất nhiều ứng cử viên được khuyến nghị bởi một ủy ban đề cử gồm năm người hoặc hơn, thường bao gồm các luật sư (được lựa chọn bởi hiệp hội luật sư địa phương), những người không phải luật sư do thống đốc chỉ định, và đôi khi có cả một thẩm phán lâu năm ở địa phương. Theo luật hoặc theo thỏa thuận ngầm, thống đốc sẽ bổ nhiệm một người từ danh sách khuyến nghị. Sau khi phục vụ trong một thời gian ngắn, thường là một năm, vị thẩm phán mới được bổ nhiệm sẽ phải trải qua một cuộc tuyển cử đặc biệt, trên thực tế tại thời điểm đó ông / bà ta sẽ vận động tuyển cử dựa trên thành tích làm việc của mình. (Câu hỏi đưa ra cho các cử tri là: “Thẩm phán X có nên được duy trì chức trách của mình hay không?”) Nếu các cử tri ủng hộ việc thẩm phán tiếp tục đảm nhiệm chức trách của mình - một điều thường xảy ra trên thực tế - thì thẩm phán sẽ duy trì chức vụ của mình trong một nhiệm kỳ bình thường tương đối dài.

Bổ nhiệm bởi thống đốc và bởi cơ quan lập pháp

Ngày nay, chỉ còn một số bang áp dụng chế độ bổ nhiệm thẩm phán bởi thống đốc hoặc bởi cơ quan lập pháp bang. Khi các thẩm phán được bổ nhiệm bởi thống đốc, yếu tố chính trị thường đóng vai trò chủ đạo. Các thống đốc thường có xu hướng tuyển chọn những cá nhân tham gia tích cực vào đời sống chính trị của bang và hoạt động của họ mang lại lợi ích cho thống đốc hoặc cho đảng chính trị hay các đồng minh của thống đốc. Thông qua việc bổ nhiệm thẩm phán, thống đốc cũng thường mặc cả với các lãnh đạo đảng chính trị ở địa phương hoặc các nhà lập pháp mà ông ta cần sự ủng hộ. Thống đốc cũng có thể dùng chức vụ thẩm phán để thưởng công cho một nhà lập pháp hoặc nhà hoạt động chính trị địa phương đã ủng hộ ông một cách trung thành về mặt chính trị trong quá khứ.

Chỉ còn một số rất ít bang vẫn cho phép cơ quan lập pháp bổ nhiệm thẩm phán bang. Mặc dù có rất nhiều tiêu chuẩn khác nhau được sử dụng trong khi lựa chọn thành viên của tòa án tối cao của bang, nhưng đối với các thẩm phán tòa sơ thẩm của bang, các nhà lập pháp bang thường có xu hướng bổ nhiệm những cựu thành viên của cơ quan lập pháp bang.

VIỆC NGHỈ HƯU VÀ TỪ NHIỆM CỦA CÁC THẨM PHÁN

Các thẩm phán đã quá già hoặc không còn thích hợp để đảm nhiệm chức vụ thẩm phán của bang thường không tạo thành vấn đề phức tạp như các thẩm phán liên bang. Một số bang đã xây dựng các kế hoạch hưu trí bắt buộc. Độ tuổi tối đa để thẩm phán nghỉ hưu dao động từ 65 tới 75, và phổ biến nhất là ở tuổi 70. Một số bang có những kế hoạch giảm phúc lợi hưu trí đối với các thẩm phán đã phục vụ vượt quá nhiệm kỳ mong muốn; có nghĩa là các thẩm phán càng giữ chức vụ của mình lâu thì phúc lợi hưu trí của họ càng giảm.

Các kế hoạch hưu trí, cho dù có hiệu quả thế nào trong việc khuyến khích các thẩm phán cao tuổi từ nhiệm, hầu như không được sử dụng trong trường hợp các thẩm phán chưa đến tuổi song không đủ năng lực, có hành vi tham nhũng hoặc phi đạo đức. Trong suốt lịch sử nước Mỹ, các bang đã sử dụng những thủ tục như luận tội, bỏ phiếu bất tín nhiệm và các nghị quyết đồng thời của cơ quan lập pháp để bãi nhiệm thẩm phán. Tuy nhiên, những biện pháp này chỉ có hiệu quả rất khiêm tốn, bởi vì việc áp dụng chúng trên thực tế là quá khó xét về mặt chính trị, hoặc bởi vì chúng tốn quá nhiều thời gian và rất phức tạp.

Gần đây, các bang đã bắt đầu thiết lập những ủy ban đặc biệt, thường bao gồm các thẩm phán, để giám sát và trừng phạt các thành viên của chúng. Tuy nhiên, những ủy ban này không phải lúc nào cũng hoạt động hiệu quả, bởi vì các thẩm phán thường rất miễn cưỡng trong việc khiển trách và kỷ luật công khai các đồng nghiệp của mình.

Tin tức Mỹ

Đăng ký tư vấn

Anh/Chị có bất kỳ thắc mắc về chương trình đầu tư định cư các nước, vui lòng đăng ký vào form bên dưới hoặc liên hệ với công ty USIS, chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận và giải đáp tất cả các câu hỏi của Anh/Chị.

Xin vui lòng liên hệ [email protected] hoặc điện thoại:

Việt Nam: 0909 337 657

Vui lòng để lại thông tin của bạn dưới đây