Chương 5: Thủ tục tố tụng hình sự (Phần 3)

Khả năng thương lượng lời khai

Xóa cáo trạng tăng nặng. Hình thức thương lượng lời khai thứ hai là chưởng lý hạt đồng ý xóa bỏ những lời buộc tội khác đang dành cho một cá nhân. Có hai biến thể đối với hình thức này. Một là thỏa thuận không khởi tố “theo chiều dọc” - có nghĩa là không đưa ra những cáo buộc nghiêm trọng hơn chống lại cá nhân đó. Loại thỏa thuận thứ hai là bác những cáo buộc “theo chiều ngang”; đó là bác bỏ những cáo trạng bổ sung đối với cùng một tội đang dành cho bị cáo.

Một biến thể khác của hình thức thương lượng lời khai này là thỏa thuận mà trong đó điều khoản phạm tội nhiều lần được xóa khỏi bản cáo trạng. Ở cấp độ liên bang và tại nhiều bang, một người bị đánh giá là phạm tội thường xuyên khi bị kết án lần thứ ba về một trọng tội tại bất cứ nơi nào ở Mỹ. Bản án bắt buộc cho phạm tội thường xuyên là tù chung thân. Ở các tòa án bang, lời buộc tội đối với phạm tội thường xuyên thường được xóa bỏ để đổi lấy lời khai tự nhận tội.

Một thương lượng lời khai khác thuộc loại này là thỏa thuận mà trong đó những cáo trạng ở các tòa án khác nhau được hợp nhất tại một tòa án để các bản án được thi hành cùng một lúc. Do những cáo trạng và quyết định của phiên tòa sơ bộ được lưu giữ ở nhiều khu vực tài phán nên chúng được đưa vào sổ ghi án xét xử trong một hệ thống luân phiên. Điều này có nghĩa là một bị đơn bị cáo buộc bốn điểm giả mạo và tội danh sở hữu công cụ giả mạo có thể bị đưa vào sổ ghi án của năm tòa án khác nhau. Nhìn chung, việc chuyển tất cả những cáo trạng của một người cho tòa án đầu tiên được liệt kê là tập quán phổ biến ở những địa hạt có hệ thống nhiều tòa án như vậy. Điều này mang lại cho thẩm phán chủ tọa quyền tự quyết cho phép tất cả những bản án của bị đơn được thực hiện cùng một lúc.

Thương lượng hình phạt. Hình thức thứ ba của thương lượng lời khai liên quan đến việc để bị đợn tự nhận tội để đổi lấy một thỏa thuận của công tố yêu cầu thẩm phán có bản án nhẹ hơn. Sức mạnh của việc thương lượng hình phạt này dựa trên những thực tế về nguồn lực hạn chế của hệ thống pháp lý. Ít nhất ở cấp độ bang công tố có thể hứa với bị đơn một bản án công bằng cụ thể với niềm tin rằng thẩm phán sẽ chấp thuận đề nghị đó. Nếu thẩm phán không chấp thuận thì niềm tin của công tố sẽ nhanh chóng giảm sút và nhiều bị đơn đã tự nhận tội sẽ bắt đầu bào chữa vô tội và giành lấy cơ hội của họ tại tòa án. Kết quả có thể là án nợ đọng trong sổ ghi án của tòa ngày càng tăng lên, tràn ngập hệ thống pháp lý và làm nó bị ngưng trệ. Công tố và thẩm phán hiểu rõ điều này, và luật sư bào chữa cũng vậy.

Những hạn chế về mặt hiến định và luật định đối với thương lượng lời khai. Ở cả cấp độ bang và liên bang, những yêu cầu về thủ tục pháp luật thỏa đáng có nghĩa là thương lượng lời khai phải được đưa ra một cách tự nguyện và trên cơ sở nhận thức được. Điều này có nghĩa rằng bị đơn phải được tòa án cảnh báo về những hậu quả của việc tự nhận tội (chẳng hạn, bị đơn khước từ mọi cơ hội thay đổi ý kiến vào một thời điểm sau đó), rằng bị cáo phải có đầu óc bình thường và, như một bang đã nêu, rằng “Rõ ràng là bị đơn phải không chịu ảnh hưởng của bất kỳ sự đe dọa hay thuyết phục nào, hay hy vọng hão huyền sẽ được tha thứ khiến anh ta nhận tội”.

Đối với hai loại thương lượng lời khai đầu - giảm lời buộc tội và xóa cáo trạng tăng nặng - một số chuẩn mực chặt chẽ hơn được đặt ra cho các tòa án liên bang. Một chuẩn mực là thẩm phán trên thực tế không thể tham gia vào quá trình thương lượng lời khai; ở cấp độ bang, các thẩm phán có thể đóng một vai trò tích cực trong quá trình này. Mặc dù vậy, nếu thương lượng lời khai được đưa ra giữa viên chưởng lý Hoa Kỳ và bị đơn thì chính phủ không thể thất hứa với thỏa thuận. Nếu chính quyền liên bang làm vậy thì thẩm phán hạt liên bang phải rút lại lời bào chữa có tội. Cuối cùng, các Quy định liên bang về tố tụng hình sự đòi hỏi rằng, trước khi lời tự nhận tội có thể được chấp nhận, công tố phải đệ trình một bản tóm tắt những bằng chứng chống lại bị cáo, và thẩm phán phải đồng ý rằng có bằng chứng thuyết phục cho tội của bị đơn.

Những lập luận ủng hộ và phản đối thương lượng lời khai. Đối với bị đơn, lợi thế hiển nhiên của việc thương lượng là anh ta được đối xử đỡ khắc nghiệt hơn so với việc bị buộc tội và kết án cao nhất theo những điều kiện sẵn có. Mặc dù vậy, việc không có xét xử thường làm giảm sự công khai của vụ án, và do những lợi ích cá nhân và sức ép xã hội, bị cáo có thể muốn tránh mất nhiều thời gian và sự công khai của việc xét xử chính thức. Cuối cùng, một số nhà hình phạt học (những chuyên gia trong lĩnh vực trừng phạt và cải tạo) lập luận rằng bước đầu tiên để một tội phạm cải tạo là thừa nhận tội lỗi và nhận thức được vấn đề của mình.

Thương lượng lời khai cũng mang lại những lợi ích nhất định cho bang và toàn thể xã hội. Lợi ích rõ ràng nhất là sự chắc chắn của lời kết tội, vì bất kể bằng chứng đưa ra có sức thuyết phục đến đâu thì vẫn có khả năng được tuyên bố trắng án chừng nào việc xét xử chưa hoàn tất. Ngoài ra, văn phòng chưởng lý hạt và các thẩm phán tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức do họ không phải chuẩn bị và chủ trì những vụ án không có tranh cãi thực sự về sự vô tội hoặc những vụ không phù hợp với thủ tục xét xử. Cuối cùng, khi cảnh sát không được yêu cầu xuất hiện ở tòa án để chứng thực trong các vụ xét xử hình sự thì họ sẽ có nhiều thời gian hơn cho việc ngăn ngừa và giải quyết tội phạm.

Thương lượng lời khai cũng có những mặt tiêu cực của nó. Lý lẽ phản đối thường xuyên nhất đối với thương lượng lời khai là bản án của bị đơn có thể dựa trên những căn cứ không mang tính hình phạt. Với rất nhiều vụ án có thương lượng lời khai trong quyết định của tòa án, bản án có thể không liên quan gì đến những dữ kiện cụ thể của vụ án, đến những yêu cầu trừng phạt đối với tội phạm, hay đến mối quan tâm chính đáng của xã hội về sự khởi tố vụ án quyết liệt. Nhược điểm thứ hai là ở chỗ nếu thương lượng lời khai trở thành quy phạm của một hệ thống riêng biệt, khi đó những người vô tội thậm chí có thể bị những sức ép phi lý phải tự nhận tội. Những nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong một số quyền hạn xét xử, khả năng kết tội càng thấp thì việc thương lượng càng khó khăn do công tố muốn chí ít bị cáo cũng phải có một hình thức thú tội nào đó.

Nhược điểm thứ ba của thương lượng lời khai là khả năng xảy ra sự lạm dụng, được gọi là cáo trạng thổi phồng - thủ tục tố tụng mà theo đó công tố đưa ra những lời buộc tội đối với bị cáo nặng hơn nhiều so với những gì bằng chứng thể hiện, với hy vọng là công tố sẽ có lợi thế hơn trong việc thương lượng với luật sư bào chữa.

Một thiếu sót nữa của cơ chế thương lượng lời khai là nó có mức độ minh bạch rất thấp. Những cuộc thương lượng giữa công tố và luật sư bào chữa không được thực hiện ở tòa án công khai do một luật gia trung gian chủ trì và không phải để cho tất cả mọi người quan sát. Thay vào đó, những cuộc thương lượng này có thể diễn ra bên tách cà phê trong một quán cà phê ở tầng hầm trụ sở tòa án nơi mà lương tâm của hai luật sư mới chính là vị quan tòa thực thụ.

Cuối cùng, cơ chế thương lượng lời khai có khả năng phá vỡ những quy tắc bằng chứng then chốt về mặt thủ tục tố tụng và hiến pháp. Do công tố không nhất thiết phải đưa ra bằng chứng hay nhân chứng trước tòa nên một sự lừa bịp cũng có thể tạo ra lời kết tội ngay cả khi vụ án không thể đáp ứng các yêu cầu về thủ tục tố tụng thỏa đáng. Luật sư bào chữa có thể gặp bất lợi vì những quy tắc khám phá (những điều luật cho phép luật sư bào chữa được biết chi tiết bằng chứng mà công tố sẽ đưa ra) ở một số bang hạn chế việc chuẩn bị vụ án của luật sư bào chữa trong một khoảng thời gian sau khi thương lượng lời khai đã diễn ra. Do vậy, việc thương lượng lời khai có thể tước đi những quyền hiến định căn bản của bị cáo.

Thủ tục tố tụng đối nghịch

Mô hình đối nghịch được dựa trên giả định rằng mọi vụ án hay tranh cãi đều có hai mặt đối lập: Trong những vụ án hình sự, chính quyền kiện một bị đơn là phạm tội còn bị đơn cho rằng mình vô tội; trong các vụ án dân sự, công tố khẳng định rằng người mà anh ta đang khởi kiện đã gây ra một số thiệt hại trong khi người bị kiện lại chối bỏ trách nhiệm. Tại phòng xử án, mỗi bên cung cấp cho bên kia câu chuyện như đã chứng kiến. Lý thuyết (hay hy vọng) làm nền tảng cho mô hình này là: sự thật sẽ được sáng tỏ nếu mỗi bên có được cơ hội không hạn chế để đưa ra đầy đủ bằng chứng, dữ kiện và lập luận trước một thẩm phán (và bồi thẩm đoàn) trung lập và chu đáo.

Luật sư đại diện cho mỗi bên là những người có vai trò chính tại phòng xử án. Thẩm phán hành động như một trọng tài thụ động, không vụ lợi mà vai trò chủ yếu là kiểm soát hai bên trong những quy tắc được chấp nhận về thủ tục pháp lý và sự đúng mực trong phòng xử án. Thẩm phán cuối cùng sẽ xác định bên nào thắng kiện phù hợp với những quy tắc về bằng chứng, nhưng chỉ sau khi cả hai bên đã được trao đầy đủ cơ hội để trình bày lý lẽ của họ.

NHỮNG THỦ TỤC TRONG MỘT PHIÊN TỐ TỤNG HÌNH SỰ

Giả định rằng việc thương lượng lời khai không được thực hiện và bị cáo xác nhận sự vô tội của mình, thì một phiên tòa chính thức sẽ diễn ra. Đây là một quyền được Tu chính án Hiến pháp thứ sáu bảo đảm cho tất cả người dân Mỹ bị cáo buộc phạm những tội ở cấp độ liên bang và là một quyền được bảo đảm theo hiến pháp của nhiều bang - và theo Tu chính án Hiến pháp thứ mười bốn - dành cho tất cả những người bị cáo buộc phạm những tội ở cấp độ bang. Bị cáo được dành cho nhiều quyền hiến định và luật định trong thời gian xử án. Sau đây là những quyền lợi chủ yếu ràng buộc trách nhiệm các tòa án của cả liên bang và bang.

Những quyền căn bản được bảo đảm trong quá trình xét xử

Tu chính án Hiến pháp thứ sáu nêu rõ “Trong tất cả các vụ khởi tố hình sự, bị cáo sẽ được hưởng quyền xét xử nhanh chóng và công khai”. Những Người sáng lập của Tu chính án này nhấn mạnh từ nhanh chóng đến mức một bị cáo sẽ không bị kiệt quệ trong tù trong một thời gian dài trước khi xét xử hay phán quyết về số phận của họ bị trì hoãn trong một khoảng thời gian dài mà không có lý do chính đáng. Nhưng thế nào là nhanh chóng? Mặc dù từ này đã được Tòa án tối cao định nghĩa theo nhiều cách khác nhau nhưng Quốc hội đã đưa ra định nghĩa mới khi thông qua Đạo luật xét xử nhanh năm 1974. Đạo luật quy định rằng trong những giới hạn thời gian, cao nhất là 100 ngày, thì những cáo buộc tội phạm phải được đưa ra xét xử hoặc bị bãi bỏ. Hầu hết các bang đều có những biện pháp tương tự trong các cuốn sách luật, mặc dù khoảng thời gian chính xác là khác nhau theo từng khu vực tài phán. Với cụm từ “xét xử công khai”, những Người sáng lập hàm ý không khuyến khích quan điểm kiện tụng bí mật mà theo đó bị cáo có thể bị xét xử mà không thông báo công khai và bị đưa đến một trại giam nào đó mà không ai biết.

Tu chính án Hiến pháp thứ sáu cũng bảo đảm cho người dân Mỹ quyền được có một bồi thẩm đoàn không thiên vị. Ít nhất thì điều này cũng có nghĩa là những thành viên triển vọng của bồi thẩm đoàn phải không được có định kiến theo chiều hướng này hay chiều hướng khác trước khi phiên tòa bắt đầu. Chẳng hạn, một thành viên của bồi thẩm đoàn không được là bạn bè hay họ hàng của công tố hay nạn nhân của tội phạm; cũng không phải là một người có niềm tin thiên lệch cho rằng tất cả dòng họ hay tổ tiên của bị đơn đều “có thể là tội phạm”. Ý nghĩa trên thực tế của khái niệm bồi thẩm đoàn không thiên vị gồm những người đồng đẳng là ở chỗ các thành viên bồi thẩm đoàn được lựa chọn ngẫu nhiên từ những danh sách đăng ký cử tri - được bổ sung vào trong những lĩnh vực tài phán ngày một lớn theo những danh sách trên cơ sở giấy đăng ký ô tô, bằng lái xe, danh bạ điện thoại, bảng phúc lợi, v.v.. Mặc dù cơ chế này không thể hiện bộ phận tiêu biểu đại diện cho cộng đồng do không phải tất cả mọi người đều được đăng ký bỏ phiếu nhưng Tòa án tối cao đã khẳng định rằng phương pháp này đủ hiệu quả. Tòa án tối cao cũng quy định rằng không một tầng lớp nào (chẳng hạn người Mỹ gốc Phi hay phụ nữ) có thể bị loại trừ một cách có hệ thống khỏi diện được phục vụ trong bồi thẩm đoàn.

Ngoài việc được bảo đảm quyền được xét xử ở cùng địa điểm diễn ra hành vi phạm tội và được thông báo về lời buộc tội, bị đơn còn có quyền được đố i chất với những nhân chứng chống lại họ. Họ có quyền được biết những người buộc tội mình là ai và đang buộc tội gì để có được cách thức bào chữa hợp lý. Người bị buộc tội cũng được bảo đảm cơ hội “có được sự hỗ trợ của luật sư để bào chữa”. Trước thập niên 1960, điều này có nghĩa là một người chỉ có quyền này (ở cấp độ bang) khi liên quan đến những tội phạm cực kỳ nghiêm trọng và chỉ khi có đủ tiền thuê luật sư. Tuy nhiên, do hàng loạt những phán quyết của Tòa án tối cao, luật quốc gia bảo đảm cho một người được luật sư bảo vệ nếu bị xét xử vì bất cứ tội danh nào mà có thể bị tù, và chính quyền phải trả tiền bào chữa cho một bị đơn nghèo khó. Đây là quy định ở cấp độ quốc gia và bang.

Tu chính án Hiến pháp thứ năm tuyên bố rằng không một ai “có thể bị nguy hiểm đến tính mạng và thân thể hai lần vì cùng một tội danh”. Đây là điều khoản bảo vệ chống nguy cơ tái hình và có nghĩa là không một ai có thể bị chính quyền bang hay chính quyền liên bang xét xử hai lần cho cùng một tội danh. Tuy nhiên, nó không có nghĩa là một người không thể bị xét xử hai lần vì cùng một hành vi nếu hành vi đó vi phạm những điều luật của cả quốc gia và bang. Chẳng hạn, một người cướp một ngân hàng được thành lập theo luật liên bang ở New Jersey sẽ phạm vào cả luật liên bang và bang. Người này có thể bị xét xử pháp lý và được trắng án vì tội danh đó ở một tòa án của New Jersey và sau đó bị xét xử vì tội danh đó tại tòa án liên bang.

Một quyền quan trọng khác được bảo đảm cho bị cáo ở cả cấp độ bang và liên bang là không “bị ép buộc làm nhân chứng chống lại chính mình trong bất cứ vụ án hình sự nào”. Điều này được giải thích là việc người lựa chọn không làm chứng cho bản thân mình ở tòa án không thể được thẩm phán và bồi thẩm đoàn sử dụng chống lại người đó. Sự bảo đảm này củng cố cho nguyên lý rằng, trong hệ thống pháp lý của Mỹ, gánh nặng bằng chứng thuộc về bang; bị cáo được coi là vô tội cho đến khi chính quyền chứng minh được rằng khả năng ngược lại là không còn nghi ngờ hợp lý gì nữa.

Cuối cùng, Tòa án tối cao đã giải thích sự bảo đảm thủ tục pháp lý thỏa đáng có nghĩa là bằng chứng có được bằng việc điều tra và sai áp (lấy chứng cứ) bất hợp pháp không thể được sử dụng để chống lại bị cáo tại phiên tòa. Nguồn gốc của cái gọi là nguyên tắc loại trừ này là Tu chính án Hiến pháp thứ tư; Tòa án tối cao cũng đã ràng buộc quy tắc này đối với các bang. Mục đích của Tòa án tối cao là loại bỏ bất cứ động cơ thúc đẩy nào của cảnh sát trong lấy được bằng chứng một cách bất hợp pháp để chống lại bị cáo.

Lựa chọn thành viên bồi thẩm đoàn

Nếu bị cáo lựa chọn không theo tòa án xét xử - nghĩa là không bị xét xử và kết án bởi chỉ một thẩm phán - thì số phận của người đó sẽ do một bồi thẩm đoàn định đoạt. Ở cấp độ liên bang, 12 người phải đưa một phán quyết thống nhất. Ở cấp độ bang, tiêu chí này chỉ áp dụng cho những tội phạm nghiêm trọng nhất. Ở nhiều bang, một bồi thẩm đoàn có thể có quân số ít hơn 12 người và đưa ra phán quyết không phải bằng những quyết định đồng lòng tuyệt đối.

Một nhóm những người có tiềm năng trở thành thành viên bồi thẩm đoàn được triệu tập để có mặt ở tòa. Ở tòa án công khai, họ được thẩm vấn về những phẩm chất chung cho hoạt động của bồi thẩm đoàn theo một thủ tục được gọi là “voir dire” (tiếng Pháp cổ có nghĩa là “nói sự thật”). Công tố và luật sư bào chữa hỏi những câu hỏi chung và cụ thể đối với những thành viên tiềm năng của bồi thẩm đoàn. Họ có phải là công dân của bang không? Họ có thể hiểu được tiếng Anh không? Họ hay ai đó trong gia đình họ đã từng bị xét xử vì một tội hình sự hay chưa? Họ đã đọc hay nảy sinh ý kiến gì về vụ án có trong tay hay chưa?

Khi thực hiện thủ tục “nói sự thật”, bang và luật sư bào chữa có hai mục tiêu. Mục tiêu thứ nhất là để loại bỏ tất cả những thành viên nào trong danh sách hội thẩm, có lý do rõ ràng giải thích tại sao họ không thể đưa ra quyết định không thiên vị trong vụ án. Ví dụ phổ biến là một người nào đó bị luật pháp loại trừ khỏi bồi thẩm đoàn, một thành viên bồi thẩm đoàn là bạn hay họ hàng của một người tham gia vào việc xét xử, và một người nào đó công khai thừa nhận đã có sự thiên lệch rõ ràng trong vụ án. Những phản đối đối với thành viên bồi thẩm đoàn theo loại này được coi là phản đối vì định kiến, và con số những phản đối như vậy là không hạn chế. Chính thẩm phán là người quyết định những phản đối đó có hiệu lực hay không.

Mục tiêu thứ hai mà những luật sư phản biện hướng đến trong việc thẩm vấn những thành viên triển vọng của bồi thẩm đoàn là để loại bỏ những người mà họ tin là có thể không nghiêng về phía họ kể cả khi không có nguyên nhân rõ ràng cho sự thiên lệch. Mỗi bên được phép có một số phản đối võ đoán - yêu cầu tòa án loại trừ một thành viên triển vọng của bồi thẩm đoàn mà không đưa ra lý do. Hầu hết các bang theo tập quán dành cho luật sư bào chữa nhiều phản đối võ đoán hơn là cho công tố. Ở cấp độ liên bang, từ một đến ba phản đối tính trên một bồi thẩm đoàn thường được dành cho mỗi bên, tùy theo bản chất của tội phạm; còn đối với những vụ án tử hình thì con số này lên đến 20. Việc sử dụng phản đối võ đoán là một nghệ thuật hơn là một môn khoa học và thường dựa trên cơ sở linh cảm của luật sư.

Trong quá khứ, các luật sư có thể loại trừ những thành viên tiềm năng của bồi thẩm đoàn thông qua phản đối võ đoán đối với hầu như bất kỳ nguyên nhân gì. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Tòa án tối cao đã giải thích điều khoản bảo vệ công bằng của Tu chính án Hiến pháp thứ mười bốn là để hạn chế quyền tự quyết này bằng cách cấm công tố sử dụng phản đối của mình để loại trừ những người Mỹ gốc Phi hay phụ nữ khỏi hoạt động của bồi thẩm đoàn hình sự.

Thủ tục đặt câu hỏi và phản đối những thành viên triển vọng của bồi thẩm đoàn tiếp tục đến khi tất cả những người bị phản đối vì định kiến đều được loại bỏ, những phản đối võ đoán hoặc đã được được sử dụng hết hoặc bị khước từ dùng tiếp, và một bồi thẩm đoàn gồm 12 người (ở một số bang là 6 người) được thành lập. Tại một số bang, những thành viên dự khuyết cũng được lựa chọn. Họ tham dự phiên tòa nhưng chỉ tham gia vào những suy xét kỹ lưỡng khi một trong số những thành viên ban đầu của bồi thẩm đoàn không thể tiếp tục theo vụ kiện. Một khi danh sách bồi thẩm đoàn đã lựa chọn, họ sẽ tuyên thệ trước thẩm phán và viên lục sự.

 

Tin tức Mỹ

Đăng ký tư vấn

Anh/Chị có bất kỳ thắc mắc về chương trình đầu tư định cư các nước, vui lòng đăng ký vào form bên dưới hoặc liên hệ với công ty USIS, chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận và giải đáp tất cả các câu hỏi của Anh/Chị.

Xin vui lòng liên hệ [email protected] hoặc điện thoại:

Việt Nam: 0909 337 657

Vui lòng để lại thông tin của bạn dưới đây