Năm nay, nền tảng của Mỹ vẫn vững, không có rủi ro suy thoái, giá xăng hiện ở mức thấp và Fed có thể tiếp tục hạ lãi suất. Vài năm gần đây, Mỹ là điểm sáng của kinh tế toàn cầu. Nhờ tiêu dùng sôi động, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn tiếp tục phục hồi sau đại dịch. Tăng trưởng nước này liên tiếp vượt dự báo, bất chấp lạm phát và lãi suất duy trì ở mức cao. Thị trường tài chính cũng bùng nổ. Hoạt động tuyển dụng chậm lại, nhưng sa thải tương đối thấp.
Sang 2025, giới phân tích nhận định có nhiều lý do để lạc quan vào nền kinh tế, trong bối cảnh ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ. "Cũng như nhiều năm qua, kinh tế Mỹ đang tăng trưởng với tốc độ ổn định", David Kelly - chiến lược gia toàn cầu tại JPMorgan Asset Management cho biết.
Không có rủi ro suy thoái
Bên ngoài một trung tâm thương mại ở New York (Mỹ) dịp Blak Friday. Ảnh: Reuters
Năm 2022, hàng loạt tổ chức và nhà kinh tế học dự báo Mỹ gần như chắc chắn sẽ rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, kịch bản này đã không xảy ra. Cuộc chiến chống lạm phát của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khiến tăng trưởng của nước này chậm lại, nhưng không giảm tốc mạnh như lo ngại ban đầu.
Thị trường tài chính cũng bị tác động, nhưng không sụp đổ. Còn thị trường việc làm dù bắt đầu xuất hiện vết nứt, tỷ lệ thất nghiệp ở mức tương đối thấp. Không như thời điểm này năm 2021 và 2022, các dự báo cho 2025 chỉ ra Mỹ hiện không có rủi ro suy thoái rõ rệt. "Chỉ khi có cú sốc nào đó, kinh tế mới bị kéo vào suy thoái. Còn hiện tại, các yếu tố nền tảng không cho thấy có rủi ro này", Kelly nói.
Giá xăng trong tầm kiểm soát
Năng lượng luôn có khả năng gây ra suy thoái. Giữa năm 2022, giá xăng từng lên cao kỷ lục tại 1,32 USD một lít, đe dọa nền kinh tế này.
Nhưng hiện tại, giá đã thấp hơn nhiều. Nỗi lo gián đoạn nguồn cung do chiến sự tại Ukraine và Trung Đông chưa thành hiện thực. Nguồn cung thậm chí đang tăng, khi Mỹ là quốc gia sản xuất dầu nhiều nhất thế giới.
Công ty theo dõi nhiên liệu GasBuddy dự báo giá xăng tại Mỹ năm nay giảm năm thứ 3 liên tiếp, còn 0,8 USD một lít. Điều này giúp người tiêu dùng tự tin chi tiêu, đồng thời giữ số liệu lạm phát ở mức thấp.
Lương nhân công tăng cao hơn lạm phát
Nhiều người Mỹ hiện bất mãn vì phải trả nhiều tiền mua đồ, bảo hiểm xe hoặc thuê nhà so với tiền đại dịch. Dù giá hiện tại khó quay về thời điểm năm 2019, mức tăng đã chậm lại đáng kể.
Bên cạnh đó, tốc độ tăng lương cao hơn lạm phát. Điều này đồng nghĩa lương thực tế của người Mỹ sẽ giúp họ bắt kịp nền giá mới và cảm thấy thoải mái hơn khi chi tiêu. "Điều tốt nhất chúng tôi có thể làm là kéo lạm phát về mục tiêu và giữ ở mức đó, để mọi người được hưởng mức tăng lương thực sự. Cách này sẽ giúp họ tự tin hơn vào nền kinh tế", Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết trong cuộc họp báo tháng trước.
Fed tiếp tục giảm lãi suất
Để hạ nhiệt lạm phát, Fed nâng lãi suất lên cao nhất 40 năm. Việc này khiến lãi suất vay mua nhà, xe, thẻ tín dụng, vay vốn kinh doanh... tăng theo.
Năm ngoái, Fed giảm lãi suất 3 lần, với tổng cộng 100 điểm cơ bản (1%). Tuy nhiên, lãi suất vay mua nhà vẫn chưa hạ. Sang năm nay, các nhà kinh tế học dự báo Fed có thể tiếp tục nới lỏng tiền tệ. Tuy nhiên, tốc độ giảm có thể chậm hơn năm ngoái.
Các chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Tổng thống đắc cử Donald Trump tỏ rõ mục đích thúc đẩy kinh tế Mỹ. Dù chương trình nghị sự của ông còn gây ra nhiều tranh cãi, đặc biệt về tác động lên lạm phát, một số nhà kinh tế hào hứng với viễn cảnh cải cách thuế và quy định quản lý của ông Trump.
Ông đã chọn CEO Tesla Elon Musk lãnh đạo Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE) . Đây là bộ phận cố vấn cho chính phủ về cách giảm lãng phí chi tiêu công và bỏ bớt các thủ tục không cần thiết.
"Nghe có vẻ kém hấp dẫn, nhưng việc này có thể kéo hiệu suất của nền kinh tế lên cao", Glenn Hubbard - cựu cố vấn kinh tế cho cựu Tổng thống George W. Bush nhận xét. Ông muốn chính phủ mới làm rõ nhiều quy định tài chính mập mờ và đẩy nhanh tiến độ cấp phép xây dựng trong nước.
Các rủi ro
Dù vậy, kinh tế Mỹ vẫn đối mặt với các rủi ro có thể khiến bức tranh kinh tế u ám nhanh chóng. Chương trình nghị sự của ông Trump khiến nhiều nhà kinh tế lo ngại gây ra lạm phát và khiến doanh nghiệp giảm đầu tư. "Thuế nhập khẩu là điều tồi tệ với nền kinh tế", Stephanie Roth - kinh tế trưởng tại Wolfe Research nhận định.
Tuy nhiên, Roth cho rằng Trump sẽ không hiện thực hóa tất cả lời đe dọa về thuế nhập khẩu. Và các mức thuế này có thể phải đến cuối năm mới bị áp. Nếu việc này xảy ra, Roth cho rằng tăng trưởng có thể còn 1% năm nay, tương đương hạ một nửa so với hiện tại.
Việc ông Trump hứa hẹn trục xuất lượng lớn người nhập cư trái phép cũng có thể gây thiếu lao động trong một số ngành, từ đó kéo giá và lương nhân công lên cao.
Mâu thuẫn giữa ông Trump và Powell sẽ gây chú ý trong năm nay. Tháng trước, khi được hỏi liệu có từ chức nếu ông Trump yêu cầu, Powell trả lời rằng "Không". "Bất kể điều gì gây tác động đến sự độc lập của Fed đều có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường", Roth nói.
Một rủi ro khác là thị trường chứng khoán Mỹ có thể điều chỉnh. Wall Street bùng nổ trong phần lớn thời gian của năm 2024, nhưng cuối năm lại đi xuống. Việc thị trường điều chỉnh, hoặc rơi vào thị trường giá xuống, có thể kéo tụt niềm tin tiêu dùng và đầu tư.
Các sự kiện như tấn công mạng, đại dịch hay thảm họa tự nhiên càng khó lên kế hoạch. "Bài học của thế kỷ 21 là không nên lo lắng về những gì bạn dự đoán được. Mà hãy lo lắng về những thứ không thể dự báo", Kelly kết luận.
Theo: Vnexpress - CNN, Reuters