Chị Thúy là dân Kiến trúc khá có tiếng của Sài Thành. Chị rất hòa đồng nên có nhiều quan hệ bạn bè. Nhưng từ khi con gái bước vào cấp 3, hầu như bạn bè chẳng thể gặp Thúy dễ dàng vì mỗi khi gọi phone hẹn café, chỉ nghe cô than thở “tao đang è cổ làm Honda ôm đưa con đi học, hết học trường thì lại học thêm, buổi tối tao còn phải đưa đón con đến trung tâm luyện Anh văn để cháu dễ bề du học Mỹ trong thời gian sắp tới…”
Không hiểu có phải vòng tay của Thúy đã chở che cho con mình quá mức cần thiết hay không mà Ngọc Quỳnh - Con gái của Thúy nhìn già dặn và mệt nhọc hơn tuổi nhiều lắm, lúc nào cô bé cũng chăm chăm ngó vào cuốn sách tiếng Anh đầy đặc chi chít chữ..Nếu viết bài thì Quỳnh rất giỏi, nhưng chưa đủ tự tin khi thuyết trình trước bạn bè một đề tài như: công việc hàng ngày của em, em muốn mình trở nên như thế nào trong tương lai?
Muốn con đi du học để mở mang kiến thức nhưng chị Thúy lại muốn con làm theo ý mình...Khi gặp gỡ các nhà tư vấn, Thúy ngỡ ngàng vì các chuyên viên lại hỏi Quỳnh cháu muốn gì, thích làm gì và phải làm những gì khi đến xứ sở cờ Hoa. Sau nhiều tham khảo và lắng nghe tư vấn, Một năm sau Quỳnh lên đường sang Mỹ.
Gần 2 năm, Quỳnh trở về thăm nhà, Thúy mời tôi đến dự bữa cơm chung vui...Ngắm Quỳnh trưởng thành, rạch ròi trong từng câu từ, ai ai cũng ngạc nhiên vì mọi người luôn bị hình ảnh một cô bé ngày xưa ít nói, rụt rè trước đám đông nay đã quay ngoắt 180 độ.
QUỐC GIA CỦA NHỮNG NGƯỜI Ý THỨC CAO
Hỏi thăm về cuộc sống và sự hòa nhập ở Mỹ ra sao, vuốt mái tóc ngắn điểm nhẹ nụ cười trên môi Quỳnh kể: “Hồi mới sang Mỹ, cháu mất 2 tuần thui thủi vì cái tính quen ỷ lại vào gia đình, điều gì cũng chờ mẹ giải quyết dùm. Thế nhưng, khi đói đầu gối phải bò, ở Mỹ không có chuyện ỷ lại, mọi việc phải tự làm, tự học, tự tìm kiếm và khám phá. Kí túc xá của cháu có rất nhiều sinh viên từ khắp thế giới đến học rất đông, đủ mọi sắc tộc”.
Quỳnh nói tiếp: “Từ những bỡ ngỡ ban đầu, cháu hòa nhập và yêu mến đất nước này. Có lẽ ở Mỹ càng lâu, cháu nhận ra Mỹ đúng nghĩa là một “cường quốc” về văn minh và phát triển. Người Mỹ có ý thức rất cao trong việc tuân thủ quy tắc giao thông. Từ khi sống và học tập tại đây, chưa bao giờ cháu thấy một chiếc xe nào vượt đèn đỏ. Cái hay - lạ làm cháu thích thú là tại cái ngã tư, giao lộ hay góc phố đông đúc tấp nập hầu như chưa bao giờ thấy bóng cảnh sát giao thông ở các cột đèn giống như quê ta. Vào mùa mưa hay khi có tuyết rơi, bầu trời tầm tã nước khiến mọi người chuyển sang đi xe công cộng nhiều hơn; trên đường chỉ có một chiếc xe nhưng họ vẫn tuân thủ luật giao thông không vượt đèn đỏ bao giờ. Khi lưu thông trên đường, người đi bộ bao giờ cũng được ưu tiên nhất”.
ĐẤT NƯỚC THÂN THIỆN, CÔNG BẰNG, TỰ TRỌNG
Quỳnh hăng say tiếp lời “Mỹ là quốc gia mà các công dân phải tuân thủ luật vô cùng chặt chẽ. Ở xứ này, những việc như hối lộ, đút lót gần như không hề có trong mặt bằng xã hội. Tất cả mọi thủ tục giấy tờ đều được giải quyết theo thứ tự và như nhau và công bằng cho tất cả mọi người. Lúc đến Mỹ, cháu sử dụng các dịch vụ Triple: Wifi, Cable và Home Phone tại nhà. Nếu điện thoại hư hỏng, Internet nghẽn mạng… chỉ cần một cú điện thoại, 20 phút sau có nhân viên đến tận nhà sửa chữa. Họ luôn vui và nhiệt tình, đến đúng giờ và cũng chẵng hề có chuyện “bồi dưỡng” ở xứ này, đó là cái hay.
Ở Mỹ, người dân rất tôn trọng qui tắc xếp hàng trong mọi dịch vụ công cộng. Người Mỹ xếp hàng theo thứ tự từ tiệm thuốc tây, siêu thị, cho đến các tiệm ăn nhanh như KFC, Burgerking. Do vậy đi đâu cũng sẽ thấy dân Mỹ xếp hàng mọi lúc mọi nơi”. Quỳnh cười nhớ lại: “Lúc mới qua, do chưa quen nên cháu cứ đi đứng loạn xạ. Một lần bị nhắc nhở, cháu đã chú ý để bản thân không bị vướng vào sai sót này nữa. Khi mua sắm, các nhân viên phục vụ rất ần cần, thân thiện, luôn nở nụ cười trên môi. Nếu mua hàng đem về nhà rồi mà không vừa ý, vẫn có thể hoàn trả sau 30 ngày (tuỳ cửa hàng). Có lần, cháu để lạc mất chiếc máy ảnh đúng dịp rất cần có nó. Vậy là, a-lê-hấp, "mượn xài tạm" chiếc camera của cửa hàng gần nhà, xong việc đem trả lại không quên kèm thêm 4 chữ “Thank you so much”, người bán vẫn vui vẻ cười tươi như hoa mới nở. Ngoài ra, mua hàng online ở Mỹ cũng rất lý thú, chỉ cần lập 1 tài khoản online là có thể shopping một cách thoải mái. Tại các siêu thị của Mỹ hay có chương trình trả góp nên chuyện mua sắm thường không thành vấn đề đối với những người không có sẵn nhiều tiền. Việc thanh toán thường bằng credit/debit cards và hàng sẽ được gửi đến tận nhà. Cái hay là gói hàng đươc đặt ngay trước cửa nhà nhưng chẳng bao giờ bị mất. Do vậy cháu cho rằng Người Mỹ có ý thức cao về cá nhân là vậy”.
XỬ SỞ NHÂN QUYỀN, TÔN TRỌNG NHÂN PHẨM
Câu chuyện tiếp tục với nhận xét đáng yêu của cô bé, “Nước Mỹ rất tôn trọng phụ nữ. Mỗi khi vào siêu thị mua sắm, cháu thấy đàn ông đi mua đôi lúc nhiều hơn phụ nữ bởi ở Mỹ, chuyện nội trợ chưa bao giờ là của riêng ai. Một lần bước vào tiệm bánh, cháu thấy ông cụ đi sau, với phong cách Việt truyền thống, cháu mở cửa và nhường cụ vào trước. Ai ngờ, cháu bị bất ngờ khi ông cụ lại giữ cửa và mời “cháu vào trước đi”. Ngẫm nghĩ, cháu bật cười và nghĩ kể ra cũng hài hước thật vì người Mỹ không thích mình bị kêu là già và quan niệm “Kính lão đắc thọ” xem lại nhẹ ký hơn 2 chữ “Lady first”.
Vấn đề mại dâm ở Mỹ được công khai hóa, tuy nhiên không có nghĩa phụ nữ bị coi thấp và khinh rẻ. Nạn bạo lực trong gia đình và hành hạ các loại động vật nuôi trong nhà (pets) cũng bị lên án và răn đe rất nghiêm khắc”.
Cuối cùng, nói một cách chân thật, Quỳnh khẳng định Mỹ không phải là thiên đường như nhiều người vẫn thường mường tượng, nó vẫn có những mặt trái và giới hạn như bao lực công cộng, vũ khí tùy tiện... Nhưng với Quỳnh, cô yêu thích xứ sở này vì một điều khá đơn giản. Đất nước Mỹ ẩn chứa nhiều điều đầy mới lạ, cô hăng say khám phá, tìm hiểu và học hỏi về quốc gia này thật nhiều trong những năm lưu trú.
Sau buổi trò chuyện, nhìn gương mặt tươi hơn hớn của cô bạn thân, miệng Thúy cứ cười mỉm mỉm và lắng nghe chia sẻ của con gái. Tôi hiểu và mừng cho Thúy vì xem ra con gái của cô đã có một kỹ năng sống thật vững vàng sau gần 2 năm du học tại nơi xa xứ.