Isabella De Monte cho biết, khi du lịch phát triển và khi du khách chỉ muốn tìm kiếm những trải nghiệm chứ không đơn giản chỉ là các điểm đến, các khu vực của EU có thể hợp tác để thu hút nhiều du khách hơn.
Isabella De Monte | Ảnh: European Parliament audiovisual
Du lịch là một lĩnh vực tăng trưởng tiềm năng cho nền kinh tế châu Âu, tạo ra hơn 10 phần trăm GDP của EU và sử dụng lực lượng lao động là 13 triệu người.
Bất chấp các dự báo rất tích cực liên quan đến sự gia tăng số lượng khách du lịch đến EU trong những năm tới, châu Âu vẫn phải cảnh giác với sự cạnh tranh toàn cầu ngày càng gia tăng, với các nước đang phát triển có giá thành rẻ hơn đang thu hút nhiều và nhiều hơn du khách khắp nơi.
Châu Âu phải phát huy thế mạnh của mình, đặc biệt là sự đa dạng trong các vùng nông thôn và các nền văn hóa phong phú đa dạng. Di sản độc đáo của châu Âu - bao gồm bảo tàng, nhà hát, di tích khảo cổ học và các thành phố lịch sử - sẽ khiến châu lục này trở thành điểm đến du lịch chính.
Các khía cạnh văn hoá chiếm khoảng 40% trong du lịch ở châu Âu, giúp tăng cường rõ nét bản sắc châu Âu và khả năng cạnh tranh, đồng thời giảm tác động của mùa vụ và thúc đẩy việc làm, hiểu biết đa văn hóa, đổi mới xã hội, cũng như sự phát triển của địa phương, khu vực và nông thôn.
Người tiêu dùng ngày nay có xu hướng tìm kiếm một trải nghiệm thay vì chỉ đơn giản là một điểm đến. Đó là lý do tại sao việc phát triển các tuyến đường xuyên quốc gia quan trọng là cần thiết để đảm bảo mang lại nhiều trải nghiệm khác nhau ở châu Âu cho du khách và để thu hút nhiều khách du lịch hơn.
Các sản phẩm bền vững trên toàn châu Âu, chẳng hạn như các tuyến đường văn hoá hoặc các tuyến đường xe đạp, cũng như các loại hình du lịch thể thao và du lịch thiên nhiên, giúp tăng cường hợp tác xuyên quốc gia và khuyến khích sự tham gia nhiều hơn của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Chiến lược này đảm bảo cách tiếp cận cân đối giữa sự cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng và mặt khác bảo tồn các di tích lịch sử và truyền thống địa phương. Chất lượng của các điểm đến du lịch bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi môi trường tự nhiên và văn hoá nơi đó và sự hội nhập vào cộng đồng địa phương của người dân nơi đó.
Du lịch không nên có ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày của người dân. Ngược lại, dân cư phải được hợp nhất một cách tích cực và có thể tham gia vào các sự kiện du lịch. Tốt hơn nữa là du lịch châu Âu đóng vai trò quan trọng trong việc tái tạo nông thôn và đô thị, thúc đẩy sự phát triển của địa phương và khu vực.
Điều này giải thích khả năng cạnh tranh của ngành du lịch châu Âu gắn liền với tính bền vững của nó. Khi cung cấp các dịch vụ du lịch, ngành phải chú ý đến những hạn chế liên quan đến biến đổi khí hậu, áp lực lên hệ sinh thái và rủi ro đối với di sản văn hoá do du lịch đại trà gây ra.
Khái niệm “các điểm đến thông minh” sẽ là yếu tố quyết định sự phát triển các điểm du lịch mà du khách sẽ nhắm đến và nên kết hợp các khía cạnh của sự bền vững và du lịch trải nghiệm. Về vấn đề này, điều cần thiết là khuyến khích các sáng kiến thúc đẩy việc quản lý các nguồn lực một cách có trách nhiệm.
Trong số các sáng kiến này, cần đề cập đến hệ thống các chỉ số về quản lý bền vững các điểm đến du lịch (ETIS), điều lệ châu Âu dành cho du lịch bền vững và có trách nhiệm, mạng lưới và giải thưởng các điểm đến xuất sắc của châu Âu (EDEN), những yếu tố này góp phần làm tăng tính phổ biến của các điểm đến du lịch thay thế.
Là một phần không thể tách rời của du lịch bền vững và có trách nhiệm, khả năng tiếp cận sẽ trao đặc quyền cho những người có nhu cầu đặc biệt. Điều này bao gồm người cao tuổi, người bị khuyết tật vận động hoặc cảm giác, giảm khả năng di chuyển hoặc không dung nạp thực phẩm, cho phép họ hưởng lợi hoàn toàn từ du lịch châu Âu.
Việc cho phép mọi người tùy biến trải nghiệm du lịch của họ, theo nhu cầu của họ, sẽ góp phần giải quyết tính mùa vụ trong ngành du lịch, thu hút nhiều loại khách du lịch trong suốt cả năm, không chỉ trong mùa cao điểm.
Tuy nhiên, ngành du lịch châu Âu phải vượt qua một số thách thức khác để duy trì mức độ cạnh tranh như thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng, nhu cầu gia tăng về dịch vụ khách hàng chất lượng cao, số hóa và sự lan rộng của nền kinh tế chia sẻ.
Ngày nay, hơn 95 phần trăm khách du lịch lên kế hoạch đi du lịch trực tuyến và sử dụng công nghệ kỹ thuật số trong những ngày nghỉ của họ; du khách đã trở thành “người bán hàng-nhà cung cấp”, đồng thời tạo ra kinh nghiệm du lịch của họ trong thời gian thực.
Ngành du lịch sẽ cần phải thích ứng với tốc độ, tính chất và sự phức tạp của tiến bộ công nghệ trong nhiều lĩnh vực, từ tính tương hợp của cơ sở hạ tầng công nghệ đến giáo dục và đào tạo các chuyên gia du lịch.
Với xu hướng này, việc thiết lập một chiến lược tiếp thị thành công cho các điểm đến châu Âu, tận dụng các cơ hội do thị trường kỹ thuật số cung cấp cũng rất quan trọng.
Ví dụ, việc thiết lập một nền tảng website có thể truy cập toàn diện tại Châu Âu, kết hợp các thông tin hiện có về điểm đến có thể đại diện cho một giải pháp hữu ích để cung cấp một cơ sở dữ liệu duy nhất và công khai, chỉ cần truy cập thông qua cổng thông tin Visiteurope.com.
Với sự gia tăng số lượng các công ty hoạt động trực tuyến và sự xuất hiện của các doanh nghiệp mới “thuần túy số hóa”, mức độ cạnh tranh giữa các công ty và ảnh hưởng của những đơn vị này trong quá trình tìm kiếm của người du lịch, quy trình lập kế hoạch và đặt chỗ đang gia tăng.
Vì lý do này, sự phát triển của môi trường du lịch số cần phải được theo dõi, đảm bảo một sân chơi bình đẳng giữa các đơn vị cũ và mới, cũng như đảm bảo sự trung lập và minh bạch trong thông tin cung cấp cho người tiêu dùng.
Cuối cùng, tập trung vào nền kinh tế chia sẻ vẫn đang phát triển nhanh chóng là một việc làm có giá trị. Hiện tượng này mang lại lợi ích là cung cấp cho người tiêu dùng sự lựa chọn đa dạng hơn và bản chất thực sự của dịch vụ. Nó cũng góp phần gia tăng và mở rộng số lượng nơi ngủ nghỉ, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn và trong các sự kiện quy mô lớn, khi chỗ ở “truyền thống” đã đạt công suất mức tối đa.
Tuy nhiên, nền kinh tế chia sẻ đã bị chỉ trích vì đã tạo ra một sân chơi kinh tế không đồng đều với nền kinh tế hiện đại. Các vấn đề chính là cấp giấy phép, chứng nhận, tính an toàn và trách nhiệm pháp lý.
Giới thiệu về tác giả
Isabella De Monte (S & D, IT) là báo cáo viên của Quốc hội về những thách thức mới và các khái niệm về xúc tiến du lịch ở châu Âu.