Bồ Đào Nha có nhiều lợi thế cho du học sinh Việt Nam tới Liên minh châu Âu qua cửa ngõ nước này, trong đó có yếu tố đây là điểm đến mới chưa bão hòa, quá tải so với nhiều quốc gia khác ở EU về xin học bổng và có chi phí đời sống 'tương đối rẻ' hơn nhiều nước khác trong khối, theo một sáng lập viên Hội hữu nghị Bồ Đào Nha - Việt Nam từ Porto.
Trao đổi bên lề một Hội thảo tư về Việt Nam học mùa hè này ở Bồ Đào Nha, Tiến sỹ Nguyễn Thủy Tiên de Oliveira, Chủ tịch Hội hữu nghị giải thích với BBC vì sao du sinh Việt Nam nên lựa chọn đến đất nước ở Nam Âu này để học tập:
"Sinh viên ở Việt Nam càng ngày càng biết về Bồ Đào Nha. Đối với những người khác Bồ Đào Nha là một nước quá bé, mà nghèo, chứ không phải là giàu, tương đối so với các nước châu Âu khác.
"Thành ra ban đầu không có mấy ai du học cả, xong dần dần vì không còn cho học bổng của những nước như là Đức hay Pháp, nhiều người xin học bổng quá, thì lúc đó nhìn sang Bồ Đào Nha, thấy Bồ Đào Nha rất tốt đối với người Việt Nam.
"Thứ hai nữa là Bồ Đào Nha tương đối là rất rẻ, đời sống rất rẻ và ăn uống, thịt thà, cá tuyệt vời".
Ngôn ngữ là trở ngại?
Khi được hỏi liệu ngôn ngữ có phải là một trở ngại hay không, Tiến sỹ Thủy Tiên de Oliveira đáp:
"Ngôn ngữ ban đầu có thể là một trở ngại, nhưng lẽ dĩ nhiên nếu mà chịu khó thì thể nào cũng thành công."
Về vấn đề thu nhập, việc làm thêm, việc làm sau ki ra trường, bà Chủ tịch Hội hữu nghị cho biết:
"Về việc học hành thì các em cũng có việc, nhưng mà vì nhiều em không nói được tiếng Bồ Đào Nha, thành ra cũng có trở ngại, nên nhiều em lại về Việt Nam.
"Nhưng về Việt Nam thì rất tốt vì các em có đủ bằng cấp cao, mà các em rất giỏi.
"Thành ra đó là một điều hay. Mà các em qua đây được, thì đi trong vòng 27 nước trong vùng Schengen, các em cũng rất hài lòng, mà bố mẹ qua thăm các em thì cũng có dịp đi thăm châu Âu."
Bà Thủy Tiên de Oliveira cũng cho biết bản thân bà từng là một du sinh đến Bồ Đào Nha từ miền Nam Việt Nam, trong biến cố 30/4/1975, bà chia sẻ:
"Lúc tôi đi ngày xưa, không bao giờ tôi muốn rời Việt Nam, nhưng hồi còn bé thì bố mẹ đặt đâu con ngồi đó.
"Anh em tôi thì đã đi sang Louvain học, đã là sinh viên ở đó rồi. Bố mẹ tôi là người Bắc, đã di cư vào Sài Gòn từ năm 1954, rồi đến năm 1975 lại đi nữa, lúc đó do không muốn đi nên rất buồn. Đến sau 35 năm thì tôi mới trở lại Việt Nam."
'Các em rất nhiệt tình'
Nhớ lại quá trình hội nhập từ ban đầu khi sang Bồ Đào Nha, nhất là việc thành lập hội hữu nghị Bồ - Việt, bà Thủy Tiên de Oliveira nói:
"Lúc qua đây, không có người Việt Nam nhiều, có một anh tên là anh Kim, bố là người Việt, mẹ là người Bồ, cũng rất thương Việt Nam.
"Hai chị em ngồi nói chuyện và bảo hay là chúng mình cùng làm một hội hữu nghị Bồ Đào Nha - Việt Nam, để cho những người Bồ Đào Nha biết về Việt Nam nhiều hơn, và cho người Việt Nam biết người Bồ Đào Nha nhiều hơn.
"Thành ra, hai chị em ngồi chung lại làm việc với nhau và từ đó đến giờ làm khá rất nhiều việc.
"Rất ít người trong hội, tại vì không có người Việt Nam, mà nếu các em sinh viên Việt Nam sang đây thì chỉ học thôi, học hay là các em lại đi chơi.
"Chừng nào tổ chức được cái gì, gọi được các em thì hơi khó, nhưng các em rất nhiệt tình giúp.
"Cũng đã làm Tết Việt Nam ở bên này, đã tổ chức về văn hóa Việt Nam tại Đại học Porto, nhưng mỗi lần có dịp về Việt Nam, làm về Việt Nam là có tôi."
'Làm nhịp cầu văn hóa'
Tiến sỹ Thủy Tiên Oliveira được biết đến là người quan tâm đến vấn đề lịch sử chữ Quốc ngữ Việt Nam, trong đó có vai trò của người Bồ Đào Nha trong việc giúp hình thành chữ viết này, như một nhịp cầu lịch sử, văn hóa giữa hai dân tộc.
Nhân dịp này bà cũng cho biết là sẽ tham gia vào dự án tổ chức một Hội thảo Khoa học Bồ Đào Nha - Việt Nam tới đây, nhân sự kiện Việt Nam đánh dấu 100 năm nhà Vua Khải Định ra đạo dụ chính thức bãi bỏ khoa cử kiểu Hán học (1919-2019).
Riêng về việc học tiếng Việt trong bối cảnh nhiều năm xa quê hương trước đây mà cộng đồng người Việt Nam ở địa phương không nhiều, bà nói về niềm quan tâm này của mình:
"Tôi thích về văn hóa, thứ hai là văn chương, lẽ dĩ nhiên là đi lâu ngày quá rồi, nên bắt buộc phải học tiếng Bồ, mà lại thêm tiếng Pháp, rồi thêm tiếng Anh, đời sống ở bên này không có nhiều người Việt Nam.
"Thì tôi cũng muốn phải học thêm, đọc thêm, để mới có thể tiếp tục làm được công việc tôi đang làm, tức là để nói chuyện với người Việt Nam về tiếng Bồ, và nói chuyện với người Bồ Đào Nha về tiếng Việt.
"Cũng có thể mai mốt ở đây, trường Đại học cũng có thể mở ra một khoa về Việt Nam để cho người ngoại quốc học," bà Thủy Tiên de Oliveira chia sẻ với BBC News Tiếng Việt từ Đại học Porto, Bồ Đào Nha hôm 18/7/2019.
Nguồn: bbc.com