Các nguồn luật khác
Tiền lệ tư pháp
Các tòa án xét xử các hành vi vi phạm luật và các tranh chấp nảy sinh từ luật. Thông thường, tòa án cần phải diễn giải luật. Để làm điều đó, các tòa án tự ràng buộc bởi cách giải thích luật trước đó của các toà án cùng cấp hoặc cao hơn. Đây được gọi là nguyên tắc “theo quyết định trước”, hay đơn giản gọi là tiền lệ. Nó giúp bảo đảm sự nhất quán và có thể lường trước. Nếu phải đối mặt với các tiền lệ hoặc luật án lệ (case law) bất lợi, bên bị thường tìm cách phân biệt sự khác nhau giữa những yếu tố khách quan của vụ việc đang xem xét với các sự kiện đã dẫn đến quyết định trước đó.
Đôi khi các tòa án diễn giải luật không giống nhau. Ví dụ, Tu chính án Hiến pháp thứ mười lăm có một quy định là “trong bất kỳ vụ án hình sự nào, không ai ... bị buộc phải làm chứng chống lại mình”. Thỉnh thoảng lại có các vụ án trong đó một cá nhân từ chối trả lời các câu hỏi hoặc khai nhận dưới hình thức khác, trên cơ sở lập luận rằng lời khai đó có thể sẽ được dùng làm cơ sở khởi tố cá nhân này ở một nước khác (không phải ở Hoa Kỳ). Có thể áp dụng điều luật tự buộc tội trong trường hợp này hay không? Toà phúc thẩm địa phận số 2 của Hoa Kỳ cho rằng có thể áp dụng, nhưng Tòa phúc thẩm các địa phận số 4 và 11 lại diễn giải ngược lại2. Điều đó có nghĩa là luật pháp khác nhau phụ thuộc nơi mà vụ việc đó phát sinh!
Các tòa án cấp cao hơn tìm cách giải quyết sự thiếu nhất quán này. Ví dụ, Tòa án tối cao Hoa Kỳ thường chọn việc xét xử các vụ án nếu phán quyết của vụ đó có thể giải quyết sự bất đồng giữa các tòa phúc thẩm. Tiền lệ của Tòa án tối cao sẽ khống chế, hoặc áp dụng cho tất cả các toà án liên bang cấp dưới. Trong vụ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ kiện Balsys, 524 U.S. 666 (1998), Tòa án tối cao đã phán quyết rằng sợ bị truy tố ở nước ngoài là vượt quá phạm vi của Điều luật tự buộc tội3.
Phán quyết này trở thành luật của toàn nước Mỹ, kể cả ở khu vực Tòa phúc thẩm địa phận số 2. Bất kỳ tòa án liên bang nào sau này gặp phải vấn đề đó đều bị ràng buộc bởi phán quyết của tòa cấp cao trong vụ Balsys. Tương tự, phán quyết của toà phúc thẩm lưu động vùng có giá trị ràng buộc tất cả các tòa án hạt trong khu vực. Tiền lệ cũng được áp dụng ở nhiều hệ thống tòa án bang. Do đó, tiền lệ ngày càng phát triển cả về số lượng lẫn nội dung diễn giải.
CÁC NGÀNH LUẬT KHÁC NHAU: CÁC BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC KHÁC NHAU CỦA PHÁP LUẬT
Do sự phát triển của thực thể pháp luật, cần phân biệt giữa các loại luật khác nhau, các hành động, kiện tụng, đưa ra xét xử ở tòa án, và các loại phương tiện khác nhau mà luật pháp cho phép đối với từng loại vụ việc.
Dân sự / Hình sự
Tòa án xét xử hai loại tranh chấp: dân sự và hình sự. Một hành động dân sự liên quan đến hai hoặc nhiều bên tư nhân, ít nhất một trong hai bên bị coi là vi phạm một đạo luật hoặc một quy định nào đó của thông luật. Bên khởi kiện là bên nguyên (plaintiff); còn bên kia là bên bị (defendant). Bên bị có quyền kiện ngược (counterclaim) lại bên nguyên hoặc khởi kiện chéo (crossclaim) một đồng bị đơn (co-defendant), miễn là nội dung kiện ngược hoặc kiện chéo liên quan đến khiếu kiện gốc của nguyên đơn. Các tòa án thường thích xét xử trong cùng một vụ kiện tất cả các yêu cầu nảy sinh từ tranh chấp đó. Phạm vi án dân sự bao gồm cả các vụ kiện kinh tế - kinh doanh, chẳng hạn như các vụ vi phạm hợp đồng hoặc trách nhiệm ngoài hợp đồng, trong đó một bên khẳng định anh ta đã bị tổn hại do sự cẩu thả hoặc hành vi sai trái cố ý của một bên khác.
Trong khi hầu hết các vụ dân sự đều phát sinh giữa các bên tư nhân, thì trong các vụ án hình sự, nhà nước liên bang hoặc chính quyền tiểu bang luôn là một bên liên quan. Nhà nước, thay mặt cho nhân dân, truy tố bị can bị cáo buộc là đã vi phạm luật cấm một hành vi nào đó vì gây tổn thất cho lợi ích chung. Hai doanh nghiệp có thể tiến hành một vụ kiện vì vi phạm hợp đồng, nhưng chỉ có nhà nước mới có quyền khởi tố một người vì tội giết người.
Tiêu chuẩn bằng chứng và khả năng chế tài cũng khác nhau. Một bị can hình sự chỉ có thể bị kết tội dựa trên quyết định có tội “không còn nghi ngờ hợp lý gì nữa”. Còn trong một vụ dân sự, bên nguyên chỉ cần chỉ ra “ưu thế về chứng cứ”, tức là chỉ cần một cấu thành yếu hơn mang nghĩa “có xác suất lớn hơn không”. Một tội phạm bị kết án có thể bị tù, trong khi bên thua kiện trong vụ án dân sự chỉ chịu trách nhiệm phải khắc phục pháp lý hoặc công bằng, như giải thích dưới đây.
Biện pháp khắc phục pháp lý hoặc công bằng
Hệ thống pháp luật Mỹ cho phép rất nhiều biện pháp khắc phục (remedy) khác nhau, nhưng tất nhiên là không phải vô hạn. Đối với mỗi tội danh, các đạo luật hình sự thường liệt kê một loạt các hình phạt hoặc thời hạn giam giữ mà tòa án có thể áp dụng. Các phần khác của bộ luật hình sự có thể cho phép một số khu vực tài phán có quyền áp dụng các hình phạt cứng rắn hơn. Chế tài đối với các tội nghiêm trọng nhất, hay còn gọi là tội đặc biệt nghiêm trọng (trọng tội felony), thường nghiêm khắc hơn so với các tội ít nghiêm trọng (khinh tội misdemeanor).
Trong các vụ dân sự, hầu hết toà án Hoa Kỳ được quyền chọn biện pháp khắc phục pháp lý hoặc công bằng. Trước đây, sự phân biệt giữa hai loại biện pháp khắc phục này có ý nghĩa hơn nhiều so với hiện nay, nhưng vẫn cần phải hiểu rõ. Ở nước Anh vào thế kỷ XIII, “các tòa án luật pháp” chỉ được quyền áp dụng biện pháp khắc phục bằng tiền. Nếu bên bị mà vi phạm hợp đồng làm cho bên nguyên bị thiệt hại 50 bảng, thì tòa án có thể lệnh cho bên bị phải trả khoản tiền đó cho bên nguyên. Trong nhiều trường hợp, khoản bồi thường này đủ bù đắp thiệt hại, song trong nhiều trường hợp không thể đủ được, như trong các hợp đồng mua bán một tác phẩm nghệ thuật quý hiếm hoặc một khoảnh đất. Trong thế kỷ XIII và XIV, “các tòa án công bằng” đã được thành lập. Các cơ quan xét xử này thường chọn biện pháp khắc phục công bằng như làm một việc cụ thể, buộc các bên liên quan phải thực hiện nghĩa vụ, chứ không chỉ bắt trả tiền bồi thường thiệt hại do không thực hiện. Đến thế kỷ XIX, hầu hết các khu vực tài phán Mỹ đều đã xóa bỏ ranh giới giữa biện pháp khắc phục pháp lý và công bằng. Ngày nay, ngoại trừ một số rất ít ngoại lệ, các tòa án Mỹ có thể phán quyết yêu cầu biện pháp khắc phục pháp lý hoặc công bằng tùy theo từng trường hợp.
Sau đây là một ví dụ điển hình minh họa cho sự khác nhau giữa luật dân sự và hình sự, và các giải pháp khắc phục của mỗi ngành luật. Bang California cáo buộc cựu danh thủ bóng bầu dục O. J. Simpson phạm tội giết người. Nếu Simpson bị kết tội, anh ta sẽ phải ngồi tù. Tuy nhiên, anh ta không bị kết tội, vì bồi thẩm đoàn cho rằng phía công tố không thể chứng minh là Simpson có tội mà “không còn nghi ngờ hợp lý gì nữa”.
Sau đó, gia đình bà Simpson kiện Simpson vì một cái chết bất công của người vợ, tức là một vụ kiện dân sự. Bồi thẩm đoàn trong vụ này xác định ưu thế chứng cứ chứng minh trách nhiệm của Simpson đối với cái chết của vợ. Tòa buộc Simpson phải trả tiền bồi thường cho nguyên đơn, tức là buộc phải thực hiện một biện pháp khắc phục pháp lý.
VAI TRÒ CỦA LUẬT BANG TRONG HỆ THỐNG LIÊN BANG
Hiến pháp có quy định cụ thể về việc cấm các bang thông qua một số loại luật nhất định (tham gia ký hiệp ước với nước ngòa i, phá t hà nh tiền). Điề u VI (Điều khoản tối cao) cũng không cho phép luật của bang trái với Hiến pháp và luật liên bang. Tuy vậy, một phần lớn hệ thống pháp luật vẫn thuộc quyền kiểm soát của bang. Hiến pháp đã cẩn thận quy định nhữ ng lĩnh vực Quốc hội được quyền làm luật. Tu chính án Hiến pháp thứ mười (năm 1791) quy định rõ ràng luật của bang cần kiểm soát nhữ ng lĩnh vực khác: “Nhữ ng quyền lực không được Hiến pháp ủy quyền cho Hợp chúng quốc, đồng thời các bang cũng không bị Hiến pháp cấm nắm giữ quyền lực đó, thì thuộc về các bang, hoặc thuộc về nhân dân, theo thứ tự lần lượt”.
Tuy nhiên, vẫn còn sự giằng co giữa chính quyền liên bang và các bang về vấn đề nô lệ và quyền tối thượng của các bang được quyền tách ra khỏi liên minh. Cuộc nội chiến năm 1861-1865 đã giải quyết cả hai vấn đề này. Nó cũng đặt ra các giới hạn mới đối với vai trò của bang trong hệ thống pháp luật: theo Tu chính án Hiến pháp thứ mười bốn (1868), “Không bang nào có thể ... tước quyền được sống, quyền tự do và quyền tài sản của bất kỳ người nào, nếu không theo đúng trình tự pháp lý; hoặc từ chối quyền được pháp luật bảo vệ công bằng đối với bất kỳ người nào trong khu vực tài phán của nó”. Tu chính án này đã mở rộng rất lớn khả năng vô hiệu hoá luật bang của các tòa án liên bang. Trong vụ Brown kiện Hội đồng giáo dục (1954), căn cứ theo “điều khoản bảo vệ công bằng” này, tòa án đã cấm hệ thống giáo dục bang Arkansas phân tách học sinh theo chủng tộc.
Bắt đầu từ thế kỷ XX, đã xuất hiện một số xu hướng định hình vấn đề nêu trên - đó là sự xuất hiện vấn đề bang hành chính, một cách lý giải tư pháp mở rộng hơn và mạnh mẽ hơn đối với khái niệm “trình tự pháp lý” và “bảo vệ công bằng”, cũng như sự mở rộng quyền lực của Quố c hội trong việc điều chỉnh thương mại. Hai xu hướng này kết hợp với nhau, đã làm tăng vai trò của liên bang trong hệ thống pháp lý. Nhưng dù sao còn nhiều lĩnh vực trong hệ thống pháp luật vẫn thuộc thẩ m quyề n của bang. Mặc dù không bang nào được quyền từ chối trao cho công dân các quyền được Hiến pháp bảo vệ, nhiều bang vẫn giải thích hiến pháp riêng của mình theo hướng trao nhiều quyền và đặc quyền rộng rãi hơn. Các tòa án bang áp dụng luật của bang vẫn tiếp tục xem xét hầu hết các tranh chấp hợp đồng, cũng như các vụ án hình sự, và các hành động pháp lý về trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng. Luật gia đình, bao gồm cả kết hôn và ly hôn, hầu như là một vấn đề thuộc thẩm quyền chuyên biệt của bang. Đối với hầu hết người Mỹ, đụng đến hệ thống pháp luật có nghĩa là chỉ đụng đến các viên cảnh sát, tòa án bang, chính quyền khu và phân khu trong phạm vi bang đó.
Phần giới thiệu này chỉ nêu ra một số vấn đề mang tính đại diện của hệ thống pháp luật. Phần còn lại của cuốn sách sẽ đi vào chi tiết, thêm thắt và hiểu sâu hơn. Chương 1 và Chương 2 sẽ lần lượt mô tả phương thức tổ chức các tòa án liên bang và bang. Chương 3 giải thích một vấn đề phức tạp là phạm vi tài phán (thẩm quyền xét xử). Chương này sẽ vẽ ra đường ranh giới giữa các tòa án liên bang và bang, đồng thời khám phá vấn đề tố quyền (ai được kiện), và các loại vụ việc được tòa án xét xử. Chương 4 không tập trung vào tòa án mà chuyển hướng xem xét các nhóm đứng trước tòa. Chương này sẽ nghiên cứu thông lệ thực hành pháp luật ở Hoa Kỳ, và mô tả những bên khởi kiện điển hình. Chương này cũng giải thích vai trò của các nhóm lợi ích gây áp lực đối với các vụ việc pháp lý để tăng cường vị thế chính trị xã hội của mình. Chương 5 xem xét chi tiết phương thức tòa án xét xử các vụ án hình sự, và Chương 6 tập trung vào các vụ dân sự. Chương 7 mô tả cách lựa chọn các thẩm phán Mỹ. Chương cuối sẽ xem xét xem các quyết định tư pháp, nhất là các quyết định của tòa cấp cao, có thể tự nó cấu thành một hình thức xây dựng chính sách và do đó càng xoắn kết ngành tư pháp trong mối quan hệ phức tạp với ngành lập pháp và hành pháp ra sao.
--Michael Jay Friedman
Michael Jay Friedman là Cán bộ chương trình của Văn phòng các chương trình thông tin quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Ông lấy bằng Tiến sĩ khoa học về Lịch sử Mỹ tại Đại học Pennsylvania và bằng Tiến sĩ Luật học ở Trung tâm Luật của Đại học Georgetown.
1* Về mặt kỹ thuật, đạo luật liên bang chỉ áp dụng cho một ngân hàng thành lập theo luật liên bang, hoặc bảo hiểm liên bang, hoặc một thành viên của Hệ thống Dự trữ liên bang. Hầu như mọi ngân hàng ở Hoa Kỳ đều đáp ứng tiêu chí này, nhưng nếu có một ngân hàng không đáp ứng, và cũng không được coi là tác động đến thương mại xuyên bang, thì sẽ không chịu sự ràng buộc của luật pháp liên bang. Các đạo luật liên bang thường lặp lại một cơ sở thẩm quyền tài phán: trong trường hợp này, đó là yêu cầu thành lập theo luật liên bang.
2 Tòa phúc thẩm địa phận (lưu động) số 2 là một tòa phúc thẩm xét xử các kháng án từ tòa sơ thẩm liên bang cấp hạt ở các bang New York, Connecticut và Vermont. Tòa phúc thẩm địa phận số 4 phụ trách các bang Maryland, Bắc Carolina, Nam Carolina, Virginia và Tây Virginia. Tòa phúc thẩm địa phận số 1 phụ trách các bang Alabama, Georgia và Florida. Về tổ chức các tòa án liên bang, xem chương 1.
3 Các số trong câu này là số dẫn chiếu phán quyết trong vụ Balsys. Chúng có nghĩa là Tòa án ra phán quyết vào năm 1998 và quyết định được đưa vào tập 524 của một tuyển tập được gọi là Tập báo cáo Hợp chúng quốc (United States Reports), bắt đầu từ trang 666.