Nước Mỹ và toàn thế giới đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi tỷ phú Donald Trump quyết định ra tranh cử Tổng thống tháng 6-2015 vừa qua, rồi dành được sự ủng hộ của Đảng Cộng Hòa đúng một năm sau, vào tháng 7-2016, và trở thành tân Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ vào ngày 8 tháng 11 vừa qua, trái ngược hoàn toàn với mọi dự đoán và thăm dò dư luận. Để giải mã cái mà đang được gọi là "Hiện tượng Donald Trump", phóng viên USIS Group đã nhờ đến Giáo sư Augustine Hà Tôn Vinh, thành viên của Đảng Cộng Hòa hơn 30 năm, từng tham gia vận động bầu cử cho nhiều Thượng Nghị Sỹ và Dân biểu bang Virginia, và Tổng Thống Ronald Reagan và George Bush, sẽ giúp chúng ta lý giải về hiện tượng này.
Sơ lược tiểu sử về Giáo sư Hà Tôn Vinh:
G.S. Vinh học Cao học Ngoại giao và Phát triển Kinh tế tại Đại học Tổng hợp Georgetown, Thủ đô Washington, D.C., Hoa Kỳ (1976-1978) và được học bổng của Chính phủ Liên bang Hoa Kỳ học Tiến sĩ Quản trị công tại Đại học Tổng hợp Catholic University of America (1981-1983). G.S. Vinh được nhiều Thượng Nghĩ sĩ, Dân biểu Hoa Kỳ và chính khách Hoa Kỳ đề cử làm trợ lý đặc biệt của Nhà trắng trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Reagan – Phó TT Bush. G.S. Vinh là công dân Hoa Kỳ, đã đi tham quan hơn 70 quốc gia.
G.S. Vinh có hơn 30 năm kinh nghiệm hoạt động và làm việc tại vùng Châu Á Thái Bình Dương, Châu Âu, và Tây Phi trong lĩnh vực phát triển chiến lược kinh tế; quản lý, cải tổ và sát nhập doanh nghiệp; tài chính dự án song phương và đa phương; tài chính ngân hàng, v.v. GS. Vinh trong nhiều năm là Chuyên gia Tư vấn Cao cấp Tài chính Cơ sở Hạ tầng cho nhiều dự án của Ngân hàng Thế giới (WB) ở nhiều nước Châu Á như Trung Quốc, Philippines, Mông Cổ, Việt Nam, Lào; Chuyên gia Tài chính Năng lượng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB); và làm Cố vấn hợp tác và phát triển chiến lược, tái cấu trúc và cải tổ doanh nghiệp cho nhiều tập đoàn kinh tế đa quốc gia tại Châu Á Thái Bình Dương.
Dưới đây là phần phân tích của Giáo sư Augustine Hà Tôn Vinh:
Ngay sau khi tỷ phú Donald Trump được bầu làm Tổng thống của Hoa Kỳ ngày 8 tháng 11 vừa qua, rất nhiều bạn bè thân hữu trong và ngoài nước đã gọi điện thoại và nhắn tin chúc mừng tôi đã ủng hộ hay tham gia vận động cho ứng cử viên Donald Trump. Hầu như tất cả đều ngạc nhiên vì kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống lần này và đề nghị tôi giúp giải thích lý do và cho biết tương lai nước Mỹ sẽ đi về đâu dưới thời của ông Trump.
Là một người sống hơn 40 năm ở Hoa Kỳ và đã từng tham gia nhiều cuộc vận động tranh cử cho nhiều ứng cử viên Tổng thống, Thượng nghị sĩ và dân biểu của Đảng Cộng Hòa, tôi thấy không mấy ngạc nhiên về kết quả cuộc bầu cử này.
Ông Trump khi quyết định ra tranh cử đã đưa ra được một số chương trình hành động và lập luận đúng với sự mong đợi và nguyện vọng của đại đa số thầm lặng Hoa Kỳ, một vài thí dụ đơn cử:
1. Đầu tiên “slogan” của chiến dịch tranh cử của ông Trump “Make America Great Again” (Làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại) đã khơi lại niềm tự hào dân tộc của người Hoa Kỳ. Trong quá khứ, Hoa Kỳ luôn là nước dẫn đầu thế giới tự do trên nhiều phương diện: kinh tế, tài chính, quân sự, công nghệ, giáo dục đào tạo, nhân quyền, v.v. Trong 8 năm dưới thời Tổng thống Obama, sự trỗi dậy của nhiều nền kinh tế thị trường ở Châu Âu, Châu Á và sức mạnh kinh tế, quân sự, cộng với sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông đã trở thành một thách thức và nỗi ám ảnh cho vị thế toàn cầu của Hoa Kỳ. Slogan này rất dễ hiểu và đánh đúng vào tiềm thức cũng như lòng tự ái dân tộc của người Mỹ. Đây có lẽ là bài học marketing hay nhất từ trước đến nay mà tôi được biết.
2. Kinh tế Hoa Kỳ mặc dù vẫn ổn định, nhưng người dân Mỹ đã thấy rõ việc các nhà máy sản xuất và nhiều công ăn việc làm của họ dần dần được chuyển ra nước ngoài. Hàng hóa giá rẻ từ Trung quốc và nhiều nước khác tràn ngập thị trường Mỹ đã làm cho công việc trở nên khan hiếm và lương bổng càng ngày càng xuống thấp. Các Hiệp định Thương mại song phương và đa phương tuy đã giúp mở cửa thị trường của các nước thành viên cho sản phẩm của Mỹ vào, nhưng cũng là cơ hội để cho sản phẩm của nước ngoài tràn vào Mỹ, kéo theo việc nhiều công ty trong nước không thể cạnh tranh giá cả với sản phẩm của các nước thành viên các hiệp định, và đưa đến sự phá sản của nhiều doanh nghiệp địa phương không có cơ hội chuyển đổi.
Gs. Hà Tôn Vinh với ông tỷ phú Donald Trump ở New York.
3. Nhiều người Hoa Kỳ không thích và không đồng ý việc chính quyền sử dụng tiền thuế của họ để nuôi, hỗ trợ, hay phục vụ dân nhập cư bất hợp pháp, nhất là từ Mexico. Trong nhiều năm nhiều người Mexico đã lội sông vượt suối để vào Hoa Kỳ, sau đó được ân xá hay hợp pháp hóa, kéo cả gia đình thân nhân sang Hoa Kỳ, hưởng nhiều loại trợ cấp mà nhiều người Mỹ không có hay được phép sử dụng. Thêm vào đó, số lượng cần sa ma túy đến từ các nước Nam Mỹ đi qua Mexico rồi vào Hoa Kỳ là một con số khổng lồ, kéo theo nhiều hệ lụy và chi phí.
4. Họ cũng không thích ngân sách quốc gia bị sử dụng để bảo vệ lãnh thổ hay an ninh của nhiều nước đồng minh khác trong các liên minh như NATO, ANZUS, với Nhật Bản Hàn quốc, các nước Trung Đông, v.v. nhất là khi các nước này không đóng góp đầy đủ nghĩa vụ tài chính của họ. Việc xây một bức tường ngăn cách Mexico và Mỹ hoặc dọa rút lui khỏi các hiệp định phòng thủ đánh đúng vào tâm lý của nhiều người Mỹ da trắng ở nhiều địa phương cả nước.
5. Nước Mỹ đa chủng tộc, đa sắc tộc, được nhiều người từ khắp nơi đến chung tay đóng góp và xây dựng. Nhưng khi một nhóm người, một sắc tộc nào đó tham gia các hoạt động khủng bố, như vụ tòa nhà Tháp đôi ở New York ngày 11 tháng 9, năm 2001 làm cho nước Mỹ bất an và bị đe dọa, thì việc một ứng cử viên đưa ra một chương trình hành động có tính cách mạnh bạo và có vẻ kỳ thị cũng là một điều dễ hiểu và dễ được lòng cử tri. Các vụ thảm sát ở khắp nước Mỹ, Pháp, Anh, v.v. đều có sắc màu tôn giáo cực đoan hay khủng bố.
6. Người Mỹ cũng rất rộng lượng và công bằng, sẵn sàng bênh vực kẻ yếu, những người bị ức hiếp. Khi báo chí, truyền thông Hoa Kỳ chung tay áp đảo ông Trump, bày tỏ thái độ khinh mạt và tỏ ra thiên vị ứng của viên Hillary Clinton trắng trợn và thái quá, đa số thầm lặng đã phản ứng với một công cụ duy nhất mà họ có trong tay, đó là lá phiếu của họ. Truyền thông Hoa Kỳ, khi không hiểu được tâm lý quần chúng Mỹ, đã đánh “hội đồng” ông Trump, vô hình trung đã trở thành ân nhân của ông Trump.
Tác giả Donald Trump ký tặng sách cho Gs. Hà Tôn Vinh
7. Người Mỹ cũng rất thực tế. Quyền lợi của họ và của quốc gia là tối thượng. Việc ông Trump có những lời ăn tiếng nói mạnh bạo hay thô tục có thể hiểu được hay có thể được bỏ qua nếu người dân thấy chương trình hành động của ông Trump sẽ làm cho cuộc sống họ khá hơn và vị thế quốc gia được vững vàng hơn. Người Mỹ thường nói “Whatever happens behind closed doors is nobody's business” tạm dịch (chuyện gì xảy ra trong phòng đóng cửa, thì không phải là chuyện của người khác). Chuyện tình ái lăng nhăng trước đây của anh em nhà Tổng thống John F. Kennedy hay Bill Clinton cũng đến rồi đi, chẳng ai quan tâm hay nhớ lâu cả.
8. Các thống kê, các dự báo, và nhất là các loại thăm dò dư luận, khảo sát người đi bầu đã hoàn toàn xa rời thực tế và không phản ánh được một thực tế là các người đi làm công tác nghiên cứu thường chỉ gặp gỡ thăm dò khoảng hơn 1000 người, trong khi đó các cuộc bầu cử tổng thống, như năm 2016 này có tới hơn 115 triệu người đi bỏ phiếu, bằng 0.0009%. Tính đại diện như thế bằng không và gần như vô giá trị. Báo chí và các hãng thông tấn truyền thông học được một bài học mà người miền Nam hay nói một cách hài hước: “coi dzậy mà không phải dzậy… mà còn tệ hơn dzậy nữa.”
9. Trong các cuộc bầu cử 40 năm qua tôi thấy chuyện các ứng cử viên hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ nói xấu hay kể tội nhau là chuyện bình thường như cơm bữa. Sau cuộc bầu cử hai ứng cử viên lại chúc tụng nhau, gặp gỡ và hợp tác bình thường. Tổng thống George H.W. Bush sau khi thua ứng cử viên Bill Clinton đã kêu gọi mọi người ủng hộ đối thủ của mình. Ông Clinton lại mời Ông Bush làm đặc phái viên Tổng thống, v.v. Ông Trump và Bà Clinton cũng không là ngoại lệ. Họ cám ơn nhau, họ chúc tụng nhau như là hai người bạn thân. Hai ngày sau khi đắc cử, Tổng thống Obama cũng đã mời ông Trump đến Nhà Trắng để đàm đạo và bạn chuyện chuyển giao quyền lực. Đó là nét văn hóa đặc trưng của người Mỹ mà người Châu Á chúng ta không hiểu được.
10. Trong một hai năm đầu, Tổng thống Donald Trump chắc chắn sẽ dốc toàn tâm toàn lực vào việc giữ lời hứa khi ra tranh cử: vực dậy nền kinh tế và đưa nước Mỹ hùng mạnh trở lại. Người dân Mỹ có toàn quyền hy vọng tân Tổng thống của họ sẽ làm được những điều đề ra trong chiến dịch tranh cử, đặc biệt khi Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ đều nằm dưới quyền kiểm soát của đảng Cộng Hòa.
Đến đây tôi nhớ lại bài mẹ tôi hát khi dậy tôi tiếng Anh, xin tặng lại cho tất cả:
"Que sera, sera. Whatever will be, will be. The future's not ours to see. Que sera, sera. What will be, will be."
Không ai biết được tương lai sẽ ra thế nào. Cái gì sẽ đến thì nó sẽ đến.
Giáo sư Augustine Hà Tôn Vinh