Luật gia đình
Luật gia đình liên quan đến những vấn đề như kết hôn, ly hôn, chăm sóc con cái và những quyền của con cái. Rõ ràng là luật gia đình động chạm đến cuộc sống của rất nhiều người dân Mỹ hàng năm.
Những điều kiện cần để tham gia vào một cuộc hôn nhân được quy định trong luật bang. Những luật này theo truyền thống bao gồm tuổi tối thiểu của các bên, xét nghiệm máu hay xét nghiệm thể chất bắt buộc của các bên, những yêu cầu về giấy phép và lệ phí, và thời gian đợi.
Trước đây, hiếm khi có kết thúc hôn nhân. Vào đầu thế kỷ XIX, một số bang chỉ cho phép ly hôn thông qua một số đạo luật đặc biệt của cơ quan lập pháp; có một bang là Nam Carolina đơn giản còn không cho phép ly hôn. Ở những bang khác, việc ly hôn chỉ được chấp nhận khi một bên chứng minh được những lý do để ly hôn. Nói cách khác, việc ly hôn chỉ dành cho những bên vô tội khi vợ / chồng của họ phạm vào những tội như ngoại tình, ruồng bỏ, bạo hành.
Thế kỷ XX chứng kiến một thay đổi lớn lao trong những đạo luật về ly hôn. Sự thay đổi này diễn ra theo chiều hướng chuyển từ những đạo luật mang tính hạn chế sang ly hôn không có lỗi. Chiều hướng này là kết quả của hai yếu tố. Thứ nhất, trong nhiều năm qua nhu cầu ly hôn ngày càng tăng. Thứ hai, trước đây ly hôn là một vết nhơ thì nay hầu như không còn nữa.
Hệ thống ly hôn không có lỗi có nghĩa là các bên đơn giản chỉ giải thích rằng có những khác biệt không thể hòa giải giữa họ và rằng cuộc hôn nhân không còn giá trị nữa. Hệ thống ly hôn không có lỗi đã đặt dấu chấm hết cho bản chất đối địch của những vụ kiện ly hôn.
Một vài trong số những vấn đề do cuộc hôn nhân đã kết thúc gây ra không thể giải quyết một cách dễ dàng. Những tranh cãi về chăm sóc con cái, tranh chấp xung quanh việc hỗ trợ tiền nong cho con cái, và những bất đồng về quyền thăm nom đã xuất hiện ở tòa án một cách thường xuyên. Ngày nay, những tranh cãi về chăm sóc con cái có thể gặp nhiều hơn và dễ gây ra bất đồng hơn so với ly hôn không có lỗi trước kia. Nhu cầu của con trẻ được đặt lên hàng đầu, và tòa án không còn thừa nhận một cách tự động rằng điều đó có nghĩa là dành việc chăm sóc con cái cho người mẹ. Các ông bố ngày càng được giành được quyền chăm sóc con cái, và việc các tòa án đồng ý cho những ông bố bà mẹ đã ly hôn cùng chăm sóc con cái hiện nay cũng rất phổ biến.
TÒA ÁN VÀ NHỮNG TỔ CHỨC KHÁC LIÊN QUAN ĐẾN LUẬT DÂN SỰ
Những bất đồng là rất phổ biến trong cuộc sống thường nhật của người dân Mỹ. Thông thường, những bất đồng này có thể được giải quyết bên ngoài hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, đôi khi chúng nghiêm trọng đến mức một trong các bên không tìm ra một biện pháp thay thế nào khác ngoài việc kiện ra pháp luật.
Quyết định có kiện ra tòa án hay không
Mỗi năm có hàng nghìn vụ án dân sự có thể xảy ra được giải quyết mà không có tòa án vì những người định kiện muốn giải quyết vấn đề của họ theo một cách khác hoặc vì nguyên đơn quyết định không đâm đơn kiện nữa. Khi đối diện với quyết định đưa vụ việc ra tòa, để cố gắng giải quyết những bất đồng, hoặc đơn giản là để quên đi vụ việc đó, nhiều người phải nhờ đến một phân tích chi phí - lợi ích giản đơn. Nghĩa là, họ tính toán các chi phí cho một phiên tòa so với những lợi ích mà họ có thể có được nếu thắng kiện.
Giải quyết tranh chấp bằng biện pháp thay thế
Trên thực tế, rất ít người sử dụng toàn bộ thủ tục tố tụng. Thay vào đó, hầu hết các vụ án được giải quyết mà không phải nhờ đến một phiên tòa xét xử đầy đủ. Trong các vụ án dân sự, việc xét xử có thể rất chậm trễ và tốn kém. Trong nhiều lĩnh vực, tình trạng ứ đọng hồ sơ nhiều đến mức một vụ án có thể mất từ ba đến năm năm mới được đưa ra xét xử. Ngoài ra, những phiên tòa dân sự còn có thể quá phức tạp.
Thông thường, chi phí cho một phiên tòa đủ để làm nản lòng những nguyên đơn định kiện. Khả năng thua kiện luôn có thể xảy ra. Khả năng phải chờ đợi lâu cũng luôn tồn tại, ngay cả khi nguyên đơn thắng kiện, trước khi phán quyết được thực hiện - nghĩa là, ngay cả khi phán quyết được thực hiện đầy đủ. Nói cách khác, một phiên tòa đơn giản có thể tạo ra rất nhiều vấn đề mới cho các bên liên quan. Vì tất cả những lý do này, những biện pháp thay thế trong việc giải quyết tranh chấp ngày càng được bàn đến nhiều hơn.
Từ các doanh nghiệp lớn đến các luật sư rồi những cá nhân, sự ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp thay thế (viết tắt là ADR) ngày càng lớn. Doanh nghiệp Mỹ quan tâm đến việc tránh những tranh cãi tòa án kéo dài và tốn kém như là cách duy nhất để giải quyết những tranh chấp kinh doanh phức tạp. Ngoài ra, các luật sư cũng thường xuyên cân nhắc hơn những biện pháp thay thế như hòa giải và trọng tài, những biện pháp cần có sự giải quyết các vụ án một cách nhanh chóng hơn hoặc xử lý một số vấn đề một cách bí mật. Và cá nhân các công dân cũng ngày càng chuyển sang những dịch vụ hòa giải ở địa phương để hỗ trợ giải quyết xung đột gia đình, tranh cãi với hàng xóm và phàn nàn của khách hàng.
Các quá trình giải quyết tranh chấp bằng biện pháp thay thế được thực hiện theo nhiều mô hình khác nhau. Susan L. Keita viết trong cuốn Sổ tay điều hành và quản lý tòa án (Handbook of Court Administration and Management) rằng, những mô hình này thường được phân loại là “giải quyết riêng (private), dẫn chiếu tòa án (court - referred), phụ trợ tòa án (court - annexed), hai mô hình sau thường được gọi chung là nối kết với tòa án (court - connected)”. Nói cách khác, một số thủ tục ADR thỏa thuận riêng được thực hiện một cách độc lập với tòa án. Một thủ tục ADR dẫn chiếu tòa án là một thủ tục được thực hiện bên ngoài tòa án nhưng vẫn có một số liên hệ với tòa án. Tòa án quản lý thủ tục ADR trong một chương trình phụ trợ của tòa án. Theo Keita, tuỳ thuộc vào mô hình và vấn đề tranh chấp mà “các thủ tục ADR có thể là tự nguyện hoặc bắt buộc; chúng có thể ràng buộc hoặc cho phép kháng cáo từ những phán quyết được đưa ra; và chúng có thể đồng thuận (consensual), phán định (adjudicatory), hoặc kết hợp cả hai”. Một số thủ tục ADR thường được sử dụng là hòa giải, trọng tài, tìm hiểu tình hình thực tế một cách trung lập (neutral fact-finding), xử án thu hẹp (mini - trial), xét xử sơ khởi có bồi thẩm đoàn (summary jury trial), và xét xử riêng (private judging).
Hòa giải. Hòa giải là một thủ tục bí mật trong đó một người không thiên lệch giúp các bên tranh chấp nhận thức và hiểu rõ những vấn đề cần quan tâm và đạt được sự đồng thuận với nhau. Người hòa giải không hành động như một thẩm phán. Thay vào đó, bản thân các bên vẫn duy trì được sự kiểm soát của họ đối với quyết định cuối cùng.
Hòa giải đặc biệt thích hợp với những tình huống mà trong đó các bên tranh chấp có mối quan hệ đang diễn ra, ví dụ như tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình, giữa những người hàng xóm, giữa người chủ và người làm công, và giữa chủ nhà và người thuê nhà. Hòa giải cũng rất hữu dụng trong những vụ ly hôn vì nó làm thay đổi thủ tục từ tình trạng xung đột sang trạng thái hợp tác. Chăm sóc con cái và quyền thăm nom cũng thường được giải quyết thông qua hòa giải. Và trong nhiều lĩnh vực, những khiếu nại về thiệt hại và tài sản cá nhân liên quan đến các công ty bảo hiểm được giải quyết thông qua hòa giải.
Trọng tài. Thủ tục trọng tài cũng tương tự như đưa ra tòa án. Sau khi nghe cả hai bên trong một tranh chấp, một người không thiên lệch được gọi là trọng tài quyết định tranh chấp nên được giải quyết như thế nào. Ở đây không có thẩm phán hay bồi thẩm đoàn. Thay vào đó, trọng tài được các bên lựa chọn sẽ đưa ra quyết định cuối cùng. Các trọng tài được lựa chọn từ tất cả những trình độ chuyên môn khác nhau và thường tự nguyện dành thời gian của họ để giúp mọi người giải quyết các vấn đề phát sinh.
Các bên tranh chấp lựa chọn trọng tài vì hình thức này tiết kiệm thời gian và tiền bạc và ít mang tính nghi thức hơn so với một phiên tòa xử án. Hầu hết những phân xử bằng trọng tài được hoàn thành trong vòng bốn tháng trở xuống so với sáu tháng đến vài năm cho phán quyết của tòa án.
Trọng tài được sử dụng một cách riêng tư để giải quyết rất nhiều phàn nàn của khách hàng. Những ví dụ bao gồm tranh cãi về sửa chữa ô tô yếu kém, những vấn đề với việc trả lại hàng hóa hư hỏng, và tính phí quá cao cho cách dịch vụ. Trọng tà i cũng được sử dụng trong các thủ tục dẫn chiếu tòa án và phụ trợ tòa án để giải quyết một số loại tranh chấp, bao gồm những tranh chấp trong kinh doanh, thương mại và tuyển dụng.
Tìm hiểu tình hình thực tế một cách trung lập. Tìm hiểu tình hình thực tế một cách trung lập là một thủ tục không chính thức nhờ đó một bên trung lập theo thỏa thuận được yêu cầu điều tra một tranh chấp. Thông thường, tranh chấp liên quan đến những vấn đề phức tạp và mang tính kỹ thuật. Bên trung lập thứ ba phân tích những sự kiện gây tranh chấp và nêu kết quả điều tra của mình vào một báo cáo hay bản khuyến nghị không ràng buộc.
Thủ tục này có thể đặc biệt có ích trong việc giải quyết những luận điệu phân biệt chủng tộc và giới tính trong một công ty vì những vụ việc như vậy thường gây ra sự chia rẽ sâu sắc về tình cảm và trong nội bộ. Nếu cả hai bên là nhân viên của cùng một công ty thì những xung đột lợi ích có thể cản trở người giám sát hoặc người quản lý tiến hành một cuộc điều tra không thiên lệch về sự phân biệt đối xử. Để tránh tình trạng không công bằng, một công ty có thể chuyển sang một bên thứ ba trung lập với hy vọng đạt được cách giải quyết mà tất cả nhân viên đều tôn trọng.
Xử án thu hẹp. Trong một vụ xử án thu hẹp mỗi bên thể hiện quan điểm của mình theo cách giống như ở tòa án trước một nhóm bao gồm những đại diện được lựa chọn cho cả hai bên và các bên thứ ba trung lập. Mỗi nhóm có một cố vấn trung lập. Những vụ xử án thu hẹp được thiết kế để xác định những vấn đề và phá t triển cơ sở cho những đàm phán giải quyết trong thực tế. Đại diện của cả hai bên trình bày khái quát quan điểm và lý lẽ của họ trước nhóm. Do vậy, mỗi bên sẽ hiểu hơn về quan điểm của bên kia. Sau khi nghe trình bày của mỗi bên, nhóm đại diện, bao gồm cả cố vấn, họp lại để đưa ra một giải pháp thỏa hiệp. Cố vấn trung lập cũng có thể đưa ra ý kiến mang tính tư vấn liên quan đến tinh thần của vụ việc. ý kiến tư vấn này là không ràng buộc trừ phi các bên thống nhất bằng văn bản trước khi chịu ràng buộc bởi ý kiến đó.
Lợi ích chủ yếu của xử án thu hẹp là cả hai bên đều có cơ hội đưa ra những giải pháp. Nó cũng có nghĩa là mỗi bên được trình bày và tiếp cận với những thông tin chi tiết.
Xét xử sơ khởi có bồi thẩm đoàn. Xét xử sơ khởi có bồi thẩm đoàn liên quan đến một thủ tục do tòa án quản lý diễn ra sau khi vụ án được khởi kiện nhưng trước khi được xét xử. Trong xét xử sơ khởi có bồi thẩm đoàn, mỗi bên trình bày lý lẽ của mình cho một bồi thẩm đoàn (thông thường gồm sáu người). Một bản khái quát lý lẽ của mỗi bên cũng như những lập luận vắn tắt mở đầu và kết thúc được trình bày. Thông thường, các luật sư được dành một khoảng thời gian ngắn (từ 1 giờ trở xuống) để trình bày. Họ bị hạn chế trong việc chỉ trình bày những thông tin mà có thể được chấp nhận khi xét xử. Không có lời khai nào được lấy từ những nhân chứng đã tuyên thệ, và biên bản lưu thông thường không được lập. Do biên bản lưu là không ràng buộc nên những quy định về thủ tục và bằng chứng linh động hơn so với một phiên tòa thông thường.
Bồi thẩm đoàn đưa ra một quyết định mang tính cố vấn, không ràng buộc, trên cơ sở những lý lẽ được trình bày. Trong trường hợp này, lời tuyên án được xây dựng ra cho có thể giúp cho các luật sư và khách hàng của họ nắm bắt tường tận vụ án. Nó cũng có thể tạo ra một cơ sở để giải quyết tranh chấp. Nếu tranh chấp không được giải quyết trong hoặc ngay sau khi xét xử sơ khởi có bồi thẩm đoàn thì một cuộc họp trước khi xét xử sẽ được tổ chức trước khi tòa án thảo luận việc giải quyết tranh chấp.
Một trong những lợi thế quan trọng của việc xét xử sơ khởi có bồi thẩm đoàn là thời gian thực hiện. Một cuộc xét xử sơ khởi có bồi thẩm đoàn thường được tiến hành trong vòng chưa đến một ngày so với vài ngày hoặc vài tuần của những phiên tòa xét xử đầy đủ.
Xét xử riêng. Phương pháp giải quyết tranh chấp bằng biện pháp thay thế này sử dụng những thẩm phán đã về hưu, những người làm việc để nhận phí. Những người ủng hộ khẳng định phương pháp này có một số lợi thế. Thứ nhất, các bên có thể chọn ra một người với những phẩm chất và kinh nghiệm thỏa đáng để giải quyết vụ việc. Thứ hai, các bên có thể được bảo đảm rằng vụ việc sẽ được giải quyết ngay sau khi lên kế hoạch và không bị kéo dài vì lịch làm việc của tòa án quá dầy đặc. Cuối cùng, chi phí cho phương pháp này có thể thấp hơn so với tranh kiện đầy đủ. Tuy nhiên, cũng có những lời phê bình phương pháp xét xử riêng, đó là mức phí cao do một số thẩm phán đã về hưu đặt ra. Chẳng hạn, một tòa phúc thẩm ở California đã lưu ý rằng một số thẩm phán đương nhiệm đang rời bỏ công việc của mình để kiếm thêm tiền với tư cách là những thẩm phán xét xử riêng.
Những tòa án chuyên biệt
Hệ thống tòa án bang thường được đặc trưng bở i rất nhiều tòa án chuyên biệt được thành lập để giải quyết những loại vụ án dân sự cụ thể. Những tòa án xét xử các mối quan hệ trong gia đình thường được thành lập để giải quyết những vấn đề như ly hôn, chăm sóc con cái và hỗ trợ con cái. Trong nhiều khu vực tài phán, những tòa án về thủ tục di chúc giải quyết việc phân xử di sản và tranh chấp di chúc.
Có lẽ loại tòa án chuyên biệt được biết đến nhiều nhất là những tòa án giải quyết khiếu kiện giá trị nhỏ. Những tòa án này có thẩm quyền pháp lý xét xử những vụ án mà số tiền khiếu kiện để đòi không vượt quá một con số nào đó. Trị giá tiền đòi thay đổi theo thẩm quyền pháp lý nhưng mức tối đa thường là 500 hoặc 1.000 USD. Những tòa án giải quyết khiếu kiện giá trị nhỏ giúp cho những vụ án ít phức tạp hơn được giải quyết một cách không chính thức hơn so với hầu hết những tòa án xét xử khác. Phí khởi kiện là thấp, và việc sử dụng luật sư thường không được khuyến khích, khiến cho người dân bình thường có thể đến được với những tòa án giải quyết khiếu kiện giá trị nhỏ.
Các cơ quan hành chính
Rất nhiều cơ quan chính phủ cũng đã thành lập các đơn vị hành chính với thẩm quyền bán tư pháp được phép giải quyết một số loại vụ án nhất định. Chẳng hạn ở cấp độ liên bang, các cơ quan như Ủy ban thương mại liên bang và Ủy ban thông tin liên tục liên bang tiến hành việc phân xử những vụ việc thuộc phạm vi thẩm quyền của họ. Kháng án về phán quyết của một trong những cơ quan này có thể được đưa lên xem xét ở tòa án phúc thẩm liên bang.
Ở cấp bang, ví dụ phổ biến về một cơ quan hành chính hỗ trợ việc giải quyết các khiếu kiện dân sự là Ủy ban bồi thường cho công nhân. Ủy ban nà y xác định liệu thương tích của một người làm công ăn lương có liên quan tới công việc hay không và do đó họ có được trả tiền bồi thường hay không. Rất nhiều phòng / ban quản lý phương tiện đi lại có gắn máy có các ủy ban điều trần để quyết định việc thu hồi giấy phép lái xe. Một hình thức khác của ủy ban hành chính cũng thường được bắt gặp trong những quy định của bang về các vấn đề quyền dân sự và các trường hợp bị cáo buộc là phân biệt đối xử.