Cuối năm 2008, cuộc bầu cử tổng thống của Hoa Kỳ mới diễn ra, nhưng ngay từ giữa năm 2006, dư luận không chỉ ở Mỹ đã xôn xao về các ứng cử viên tương lai.
Đặc biệt từ tháng 10/2006, một gương mặt dân chủ sáng giá bỗng nổi bật hẳn lên trên chính trường Mỹ. Đó là thượng nghị sỹ da đen duy nhất hiện thời Barack Obama (theo tiếng swahili của Kénya, nghĩa là “người được thần ban phước”).
Nguyên do là trung tuần tháng mười, cuốn sách thứ hai của ông, Sự táo bạo của hy vọng (tạm dịch từ The Audacity of Hope), được xuất bản. Lập tức, nó như một luồng gió mới làm tươi trẻ lại đời sống xã hội Hoa Kỳ đang nhiều mâu thuẫn dường như không giải quyết nổi.
Qua cuốn sách, ông “thưa chuyện với mọi người thiện ý, bất kể họ thuộc đảng dân chủ hay cộng hòa, hoặc không thuộc đảng phái nào cả”.
Một cách thuyết phục, những suy nghĩ sáng suốt và mới mẻ của Barack Obama chung đúc nên một tư tưởng lớn: nước Mỹ cần một đường lối khác, người Mỹ cần một cách xử sự khác.
Không phải ngẫu nhiên, cuốn Sự táo bạo của hy vọng được đón đọc nồng nhiệt. Báo chí Mỹ và báo chí nước ngoài đồng loạt đưa tin và khen ngợi.
Tờ Time lập tức hầu như dành riêng cho Barack Obama một số đặc biệt. Ở bìa tạp chí, tác giả giải thích vì sao ông có thể là tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ. Trong ruột, nhà báo Joe Klein phác họa chân dung một “chính trị gia tươi tắn” mà sức mạnh cảm hóa và chinh phục tự nhiên đối với quần chúng có thể sánh với Bill Clinton và thậm chí với anh em nhà Kennedy.
Time đã khơi mào cho ít nhất một tuần lễ truyền thông “vàng” nhằm tôn vinh Barack Obama. Trong tuần lễ ấy, nhiều chương trình truyền hình, trong đó có chương trình của Oprah Winfrey và Larry King, mời ông thuyết trình trực tiếp về cuốn sách của ông.
Oprah Winfrey vẫn ngồi trên sofa của bà, nói với Barack Obama: “Tôi sẽ dẫn chương trình năm năm nữa. Từ đây, ông sẽ thông báo việc ông ra tranh cử (tổng thống)?”. Obama đáp rằng: “Tôi không nghĩ có thể từ chối bà chuyện ấy”.
Barack Obama sinh năm 1961 ở Honolulu. Cha ông, cũng tên là Barack Obama (1936-1982), là một sinh viên da đen người Kénya được cấp học bổng ở Đại học Harvard. Mẹ ông là nữ sinh viên Mỹ Stanley Ann Dunhan (1942-1995), quê ở bang Kansas. Cha mẹ thành hôn năm 1960.
Do nhiều khó khăn về tài chính, họ chia tay khi ông được hai tuổi. Cha ông vẫn nỗ lực học tập và tốt nghiệp đại học kinh tế năm 1965, rồi quay lại Kenya, làm cố vấn kinh tế cho bộ tài chính nước này, về sau sa vào rượu chè, đói khổ triền miên, cuối cùng chết vì một tai nạn giao thông thảm khốc.
Mẹ tái giá với một sinh viên Mỹ gốc Indonesia. Do đó, ông theo mẹ sang sống ở ngoại vi Jakarta. Sau đó, ông quay về Hoa kỳ sống với ông bà ngoại. Năm 1974, mẹ chia tay với cha dượng. Ông được về ở cùng em và mẹ. Mẹ ông qua đời vì ung thư buồng trứng giữa khi ông đang hạnh phúc và thành đạt.
Cuộc chia ly giữa cha với mẹ - về sau là một nhà nhân chủng học - tác động lâu dài đến tuổi thơ và tuổi vị thành niên của ông. Học xong phổ thông ở Hawai và California, ông vào Đại học Columbia, New York, khoa triết chính trị. Sự hiện diện ngắn ngủi của cha ông trong cuộc đời mẹ thường xuyên ám ảnh ông. Ông coi tình yêu đứt đoạn của hai người là một bi kịch thời đại điển hình...
Năm 1989, ông vào đại học Harvard. Ngay năm sau, ông trở thành tổng biên tập da đen đầu tiên của Tạp chí luật Harvard lẫy lừng. Tốt nghiệp môn luật ở Đại học Harvard rồi, ông giảng dạy luật thể chế, bắt đầu tích cực hoạt động xã hội và dấn thân chính trị.
Ông lập gia đình năm 1992 và có hai con gái với nữ bác sỹ da đen Michelle Robinson. Vợ ông hiện là giám đốc bệnh viện đại học Chicago, bang Illinois, bang từ lâu vốn là một pháo đài khét tiếng của đảng Cộng hòa.
Ông được vợ hỗ trợ đắc lực trong các công tác xã hội, cộng thêm “phong cách chính trị” kiểu Bill Clinton (gần gũi dân thường, hay lui tới nhà thờ, bảo vệ người yếu chống kẻ mạnh...). Do đó, uy tín của ông tăng mạnh và ngày một vững chắc.
Ông được bầu vào thượng viện Hoa kỳ từ 2004, là thượng nghị sỹ da đen thứ ba trong lịch sử Mỹ, sau Edward Brooke (Cộng hòa) năm 1967 và Carol Moseley - Braun (Dân chủ) năm 1993.
Hình ảnh một nhân vật mới của thời đại biết vượt lên trên mọi định kiến về sắc tộc và giai tầng xã hội được khắc họa đậm nét ngay trong cuốn sách đầu tiên in năm 1995 của Barack Obama, Những ước mơ từ cha tôi (Dreams from My Father).
Cuốn sách kể lại một cách xúc động tuổi trẻ của tác giả. Nó đứng trong nhóm các sách bán chạy nhất trong nhiều tuần liền. Chủ đề cuốn ấy được đào sâu hơn trong cuốn thứ hai Sự táo bạo của hy vọng.
Cuốn này kể lại cuộc đời của Barack Obama sau khi tốt nghiệp đại học luật. Cuốn sách toát ra một sự thông tuệ và khả năng đồng cảm hiếm thấy. Từ các trang sách hiện lên chân dung một nhà chính trị có khả năng lớn tập hợp quần chúng cho một mục đích chung, một nhà hùng biện đề cập thật tinh tế và thuyết phục đến những vấn đề hết sức khác biệt như các giá trị, tín ngưỡng, thể chế và chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
Sức lôi cuốn và gợi mở của hai chân dung đó càng được nhân lên nhờ nền tảng của chúng được bộc lộ tự nhiên như tất phải thế. Nền tảng ấy là xuất thân đậm tính biểu tượng của Barack Obama.
Cha ông, một người nấu bếp và chăn cừu, được ông coi là châu Phi vẫn phải trăn trở về thân phận của mình sau khi là nạn nhân và kẻ phải hiến mình cho châu Mỹ. Mẹ ông, con một người bán bảo hiểm xã hội, được hiểu là Hoa kỳ, mà cuộc hôn phối với châu Phi là cần thiết nhưng chưa thể được. Vấn đề ở đây là xóa bỏ khoảng cách và bất công. Song xóa bằng cách nào, đó là chiếc chìa khóa mà Barack Obama đang tìm kiếm.
Chiến dịch tranh cử của ông gây ấn tượng mạnh có lẽ bậc nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Ông gặp nhiều lực cản, trong đó có những tin đồn hay những chuyện lập lờ đánh lận con đen. Thực tế, ông hầu không bị hớ suốt thời gian đua tranh vào Nhà Trắng. Hơn thế nữa, ông bao giờ cũng tỏ ra đúng mực.
Đang trong cuộc chạy nước rút căng thẳng và khốc liệt, ngày 23 và 24 tháng mười, ông vẫn tạm bỏ đó tất cả, tới Hawai, ngồi túc trực ở đầu giường bà ngoại Madelyn Dunham, sinh năm 1922, ốm thập tử nhất sinh. Ông luôn luôn điềm tĩnh trước mọi biến cố hay đòn thù.
Nếu Kénya nghiễm nhiên xem ông là công dân của mình, thì ở một nước Mỹ la tinh, hình ông được in trên vé sổ số một đợt tháng Mười… Khoảng 80% dân Pháp bầu cho ông thành tổng thống. Đáng suy nghĩ, không ít đảng viên Cộng hòa Mỹ cũng nhìn thấy ở ông tương lai không chỉ của Hoa Kỳ