NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ DI CHUYỂN DÀNH CHO THƯỜNG TRÚ NHÂN TRONG MÙA DỊCH

Nhằm giúp các Nhà đầu tư EB-5 và Thường trú nhân tại Hoa Kỳ hiểu rõ hơn về Những vấn đề di chuyển dành cho Thường trú nhân trong mùa dịch, USIS Group xin đăng lại thông tin sau đây do Luật sư của Enterline và Partners - thành viên tích cực của AILA (Hiệp hội Luật sư Di trú Hoa Kỳ) đã chia sẻ trên trang web của họ. 

Các hạn chế đi lại có thể thay đổi nhanh chóng đối với cả Thường trú nhân hợp pháp (LPR) và những cá nhân khác đang mong muốn nhập cảnh hoặc quay trở lại Hoa Kỳ. Nếu có thể, bạn nên tránh việc di chuyển ra ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ trừ những trường hợp khẩn cấp. 

Nếu bạn là LPR, bạn nên cân nhắc những điều sau đây khi đi lại bên ngoài Hoa Kỳ: 

Việc vắng mặt bên ngoài Hoa Kỳ trong một thời gian dài có thể dẫn đến việc từ bỏ tình trạng thường trú nhân hợp pháp. Vì vậy, bạn nên hiểu quy định của pháp luật.

  • Vắng mặt đưới 180 ngày: Việc này không đồng nghĩa với việc từ bỏ tình trạng thường trú nhân.
  • Vắng mặt trên 180 ngày – dưới 1 năm: Việc này tạo ra một giả định (có thể được bác bỏ) rằng bạn có thể đã từ bỏ tình trạng thường trú (có nghĩa là chính phủ cho rằng bạn đã từ bỏ nơi cư trú của mình và bạn phải chứng minh điều ngược lại). 
  • Vắng mặt trên 1 năm: Việc vắng mặt tại Hoa Kỳ hơn một năm có thể dẫn đến việc tự động mất trạng thái LPR, trừ khi bạn thực hiện các bước thích hợp trước khi khởi hành để trạng thái của bạn được duy trì.

Giấy Phép Tái Nhập Cảnh (Re-Entry Permit) là một cách để duy trì tình trạng thường trú nhân hợp pháp.

Nếu bạn biết trước hoặc nghĩ rằng bạn sẽ ở bên ngoài Hoa Kỳ trong hơn một năm, bạn nên nộp đơn xin giấy phép tái nhập cảnh với Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (“USCIS”) TRƯỚC KHI rời đi. Bạn sẽ cần phải có mặt tại Hoa Kỳ khi hồ sơ được nộp. Bạn cũng sẽ cần phải ở Hoa Kỳ để dự cuộc hẹn lấy sinh trắc học – thường được lên lịch từ vài tuần đến vài tháng sau khi USCIS nhận được đơn của bạn, vì vậy hãy lên kế hoạch trước càng sớm càng tốt.

Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không xin được giấy phép tái nhập cảnh trước khi xuất cảnh và đã ở bên ngoài Hoa Kỳ hơn một năm vì đại dịch?

USCIS đã không đưa ra thông báo cho bất kỳ chính sách ngoại lệ nào liên quan đến vấn đề này. Một LPR đã ở bên ngoài Hoa Kỳ hơn một năm hoặc lâu hơn thời hạn hiệu lực của giấy phép tái nhập cảnh, thường được coi là đã từ bỏ tình trạng LPR của mình.

Nếu tình huống của bạn rơi vào một trong hai trường hợp này và bạn muốn quay trở lại Hoa Kỳ, bạn sẽ cần phải cân nhắc xin SB-1 trước khi đến Hoa Kỳ từ Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở quốc gia bạn đang cư trú.

Nếu bạn không thể trở lại Hoa Kỳ trong vòng một năm do các hạn chế đi lại liên quan đến đại dịch, bạn nên chuẩn bị cung cấp bằng chứng về những điều sau:

  • Có cố gắng để trở lại Hoa Kỳ đúng thời hạn, chẳng hạn như vé máy bay bị hủy hoặc thư từ tài liệu cũng như email có ghi lại ý định quay trở lại Hoa Kỳ của bạn và cả việc bạn không thể đi được.
    • Nếu bạn không có bất kỳ tài liệu nào trong số này, hãy chuẩn bị cung cấp bằng chứng xác định lý do tại sao bạn không thể đi (chẳng hạn như bằng chứng về việc phong tỏa tại địa phương, hoặc các hạn chế đi lại do chính phủ ủy quyền).
  • Vẫn duy trì mối quan hệ mật thiết với Hoa Kỳ, chẳng hạn như hóa đơn thanh toán cho khoản thế chấp hoặc tiền thuê nhà, cũng như bất kỳ chi phí nhà ở liên quan nào. Ngoài ra, hãy chuẩn bị tài liệu về nơi tạm trú của bạn (tức là bạn không sở hữu tài sản) ở nước ngoài.
  • Bằng chứng rằng bạn đã duy trì mối quan hệ công việc ở Hoa Kỳ, chẳng hạn như thư của người sử dụng lao động cho bạn nghỉ phép hoặc ghi rằng bạn sẽ được tuyển dụng lại khi trở lại Hoa Kỳ. Ngoài ra, hãy cung cấp bằng chứng rằng bạn không làm công việc nào ở nước ngoài ngoại trừ cho chủ lao động Hoa Kỳ của bạn.
  • Nếu có thể, bằng chứng bệnh tật của bản thân hoặc thành viên trong gia đình đã khiến bạn không thể đi lại.
  • Nếu có thể, bằng chứng cho thấy các thành viên khác trong gia đình đã ở lại Hoa Kỳ trong thời gian bạn ở nước ngoài và không thể trở về.
  • Bằng chứng tài chính về mối quan hệ của bạn với Hoa Kỳ, chẳng hạn như tờ khai thuế Hoa Kỳ, tài khoản ngân hàng, v.v..

Mong muốn nhập tịch Hoa Kỳ sau chuyến đi dài

Để đăng ký nhập tịch, LPR phải hiện diện thực tế liên tục tại Hoa Kỳ trong ít nhất một nửa thời gian cư trú bắt buộc (tức là 30 tháng hoặc 18 tháng tùy thuộc vào cơ sở đăng ký) và phải sống được ba (3) tháng ở tiểu bang hoặc khu dân cư USCIS.

Ảnh hưởng của việc vắng mặt trên một năm do đại dịch vẫn chưa được USCIS xác định, nhưng trong hầu hết các trường hợp, bạn sẽ mất tư cách nhập tịch dựa trên yêu cầu cư trú liên tục 30 tháng hoặc 18 tháng. Hãy tham khảo ý kiến luật sư nhập cư của bạn để biết chính sách của USCIS có thể có ngoại lệ nào do số lượng lớn LPR không thể quay trở lại Hoa Kỳ do đại dịch COVID-19.

NHỮNG HẠN CHẾ ĐI LẠI KHÁC CẦN NHỚ

Lệnh cấm xử lý thị thực nhập cư và không định cư đã được gỡ bỏ

Nếu bạn đang chờ một thành viên gia đình nhập cảnh, Tổng thống Biden đã ban hành lệnh hành pháp vào ngày 24 tháng 2 năm 2021 để gỡ bỏ lệnh cấm thị thực nhập cư (Tuyên bố Tổng thống 10014), cho phép các thành viên gia đình của công dân Hoa Kỳ và người có thẻ xanh được xin thị thực nhập cư và đoàn tụ với gia đình của họ ở Hoa Kỳ. Hơn nữa, vào ngày 31 tháng 3 năm 2021, lệnh cấm thị thực không định cư (Tuyên bố Tổng thống 10052) hạn chế người lao động tạm thời nhập cảnh vào Hoa Kỳ, cũng đã được dỡ bỏ.

Du lịch đến các nước khác

Nếu bạn đang dự định đi tới những quốc gia khác, bạn nên xác nhận các yêu cầu và thủ tục nhập cảnh vì hầu hết các quốc gia đã thực hiện những hạn chế đối với việc nhập cảnh dưới hình thức:

a) Kiểm dịch bắt buộc;

b) Kiểm tra sức khỏe tăng cường khi đến hoặc về;

c) Cấm đi lại đối với tất cả những người không phải là công dân của các quốc gia đó;  

d) Đóng cửa tạm thời các cơ quan lãnh sự.

USIS Group (Theo Enterline and Partners)

 

Tin tức Mỹ

Đăng ký tư vấn

Anh/Chị có bất kỳ thắc mắc về chương trình đầu tư định cư các nước, vui lòng đăng ký vào form bên dưới hoặc liên hệ với công ty USIS, chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận và giải đáp tất cả các câu hỏi của Anh/Chị.

Xin vui lòng liên hệ [email protected] hoặc điện thoại:

Việt Nam: 0909 337 657

Vui lòng để lại thông tin của bạn dưới đây