Nhìn lại 15 năm quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam và hướng tới những năm tiếp theo

Năm nay đánh dấu lễ kỷ niệm 15 năm Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Chúng ta sẽ kỷ niệm sự kiện quan trọng này với các nghi lễ chung, các sự kiện văn hóa và các cuộc viếng thăm cấp cao. Song, quan trọng hơn cả các sự kiện chúng ta tổ chức để đánh dấu thời điểm trọng đại này là việc hai phía thực sự công nhận những gì chúng ta đã đạt được trong một khoảng thời gian ngắn như vậy.

Chỉ trong vòng 15 năm, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã tiến triển từ chỗ hai bên không có lòng tin cậy vững chắc, nay đã trở thành quan hệ đối tác mạnh mẽ dựa trên sự tôn trọng và hợp tác. Từ chỗ trước đây hai quốc gia có rất ít, hoặc thậm chí là không có điểm chung làm nền tảng cho quan hệ ngoại giao, đến nay, hai nước đã hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ thương mại và đầu tư đến giáo dục và y tế; an ninh và quốc phòng.

Chúng ta có những khác biệt, đặc biệt trong cách tiếp cận về nhân quyền, song thậm chí ở những lĩnh vực này, chúng ta hiện đã tham gia vào các cuộc đối thoại mang tính xây dựng. Chúng tôi vẫn tin tưởng chắc chắn rằng một nền báo chí tự do và một xã hội dân sự đúng chức năng sẽ giúp Chính phủ Việt Nam giải quyết được rất nhiều thách thức mà quốc gia này đang phải đối đầu như cải tổ giáo dục, tham nhũng và sự xuống cấp của môi trường. Thông qua các hoạt động của hai bên, chúng tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ phát triển thành một xã hội thịnh vượng, được điều hành minh bạch và trở thành đối tác toàn diện hơn của Hoa Kỳ.

Hôm nay, tôi sẽ chủ yếu nói về quan hệ kinh tế giữa hai nước. Song trước hết, tôi muốn đề cập tới một số phần quan trọng khác nữa trong mối quan hệ song phương giữa hai nước, chú trọng vào cả sự thành công và khác biệt của chúng ta. Tại sao tôi lại nhấn mạnh tới cả sự khác biệt và thành công của chúng ta khi nói về năm kỷ niệm này? Bởi vì tôi nghĩ rằng, bằng việc nhìn lại những gì chúng ta đã gặt hái được trong khoảng thời gian ngắn như vậy, chúng ta sẽ có mọi lý do cho sự lạc quan lớn lao về những gì chúng ta có thể cùng đạt được trong tương lai.

Mối quan hệ về kinh tế của Hoa Kỳ với Việt Nam là một trong số rất nhiều lý do cho sự lạc quan. Cách đây 15 năm, hầu như không có đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam, thương mại song phương hàng năm chỉ đạt 451 triệu đô-la. Xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam tăng gần gấp ba lần kể từ năm 2006, thương mại hai chiều đạt mức 15,4 tỷ đô-la vào năm 2009. Năm ngoái, Hoa Kỳ cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.

Hoa Kỳ đã thực hiện Hiệp định Thương mại Song phương với Việt Nam vào năm 2001 và đã đàm phán thoả thuận Bầu trời Mở về việc vận tải hàng hóa vào năm 2008. Gần đây, chúng tôi đã bắt đầu các cuộc đàm phán với Việt Nam và các đối tác khác về hiệp định thương mại tự do khu vực Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương, đây là một nền tảng tiềm lực cho quá trình hội nhập kinh tế xuyên suốt khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các công ty Mỹ tiếp tục thể hiện sự quan tâm sâu sắc tới Việt Nam trong suốt cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, và chúng tôi không thấy có dấu hiệu suy giảm của sự quan tâm này.

Sự phát triển trong quan hệ đầu tư và thương mại song phương giữa hai nước trùng hợp với sự chuyển biến to lớn về kinh tế của Việt Nam. Trong thập niên qua, nguồn thu nhập chính thức của Việt Nam tăng trung bình 7,2% một năm, GDP tính theo đầu người tăng từ 189 đô-la vào năm 1993 tới 1.052 đô-la vào năm 2009. Tỷ lệ đói nghèo của Việt Nam giảm từ 58% vào năm 1993 xuống 12% vào năm 2009. Việt Nam là một trong số các nước chuyển đổi nhanh nhất trên thế giới và Hoa Kỳ đã góp phần vào sự chuyển đổi đó dưới nhiều hình thức khác nhau.

Hoa Kỳ không chỉ xuất khẩu hàng hóa cho người Việt, mà chúng tôi còn xuất khẩu một trong những tài sản vĩ đại nhất của chúng tôi, đó là nền giáo dục Hoa Kỳ. Cách đây 15 năm, chưa đầy 800 sinh viên Việt Nam học tập tại Hoa Kỳ. Hôm nay, tôi tự hào nói rằng, có tới hơn 13.000 sinh viên Việt Nam tại Mỹ, một con số đã tăng gấp ba lần trong ba năm qua và tôi hy vọng con số này tiếp tục tăng trong những năm tới.

Vào tháng 1/2010, Đại sứ quán Hoa Kỳ đã tổ chức Hội thảo Giáo dục Thường niên lần thứ ba tại Hà Nội. Với chủ đề “Xây dựng đối tác trong giáo dục đại học: Cơ hội và thách thức cho Hoa Kỳ và Việt Nam”, hội thảo đã quy tụ hơn 600 chuyên gia giáo dục của Hoa Kỳ và Việt Nam tham gia thảo luận cách Việt Nam có thể hưởng lợi từ kinh nghiệm của Hoa Kỳ để nâng cao chất lượng các trường đại học của mình.

Kể từ khi tiếp tục lại các chương trình trao đổi Fulbright với Việt Nam vào những năm 1990, đã có 950 học giả và sinh viên Việt Nam và Hoa Kỳ tham gia học tập, nghiên cứu và giảng dạy về nhiều lĩnh vực học thuật tại hai nước. Quỹ Giáo dục Việt Nam do Hoa Kỳ tài trợ đã cung cấp học bổng cho 306 nghiên cứu sinh tiến hành nghiên cứu tại 70 cơ sở đào tạo sau đại học hàng đầu của Hoa Kỳ. Những cựu nghiên cứu sinh này hiện đang đứng đầu rất nhiều doanh nghiệp, bộ ngành và các tổ chức tư nhân trên khắp Việt Nam. Họ đang có những đóng góp giá trị cho nước nhà và đẩy mạnh hơn nữa quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam.

Ngoại giao y tế là một trụ cột nữa trong quan hệ song phương của hai nước. Khoảng 75% trợ giúp phát triển chính thức của Hoa Kỳ dành cho Việt Nam đã được đầu tư vào các hoạt động liên quan đến y tế. Hoa Kỳ là nhà tài trợ song phương lớn nhất của Việt Nam trong việc phòng chống cúm gia cầm và cúm đại dịch. Chúng tôi sẽ cung cấp hơn 95 triệu đô-la để giúp Việt Nam ứng phó với tác động gây tàn phá của căn bệnh HIV/AIDS chỉ trong riêng năm 2010. Tổng trợ giúp về cúm và HIV của chúng tôi dành cho Việt Nam đã vượt 440 triệu đô-la kể từ năm 2004.

Hoa Kỳ làm việc chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để giải quyết các vấn đề về y tế và môi trường có liên quan tới ô nhiễm dioxin. Trong ba năm qua, Hoa Kỳ đã dành 6 triệu đô-la cho việc giảm thiểu tác động của dioxin, cùng với khoản bổ sung 3 triệu đô-la dành riêng cho tài khóa 2010. Hai nước đã cùng xây dựng kế hoạch khôi phục đất bị ô nhiễm dioxin tại căn cứ không quân ở Đà Nẵng, nơi lưu giữ khối lượng lớn chất da cam trong thời kỳ chiến tranh. Hoa Kỳ cung cấp hơn 46 triệu đô-la nhằm hỗ trợ cho công dân Việt Nam khuyết tật, bất kể họ bị khuyết tật vì nguyên nhân gì.

Cùng với việc chúng tôi tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực thương mại, giáo dục, y tế, và môi trường, chúng tôi cũng mở rộng mối quan hệ một cách phi thường chỉ trong vòng 5 năm qua, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh. Các công việc đang ngày một phát triển của chúng tôi trong lĩnh vực này bao gồm hợp tác về hoạt động gìn giữ hoà bình, trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thảm hoạ, an ninh trên biển, hợp tác chống khủng bố và chống buôn lậu ma tuý, an ninh biên giới và chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Chúng ta sẽ có cuộc Đối thoại Hoa Kỳ-Việt Nam lần thứ ba về quốc phòng, an ninh và chính trị tháng tới.

Từ năm 1993, Hoa Kỳ đã cung cấp gần 50 triệu đô-la nhằm hỗ trợ Việt Nam rà phá huỷ bom mìn chưa nổ, cũng như giải quyết các tác động đối với cuộc sống và sức khoẻ của người dân sống tại khu vực bị ảnh hưởng. Chúng tôi cũng làm việc nhằm xây dựng năng lực cho Trung tâm Hành động khắc phục bom mìn Việt Nam mới được thành lập, đồng thời trợ giúp trung tâm này xây dựng và thực hiện chiến lược quốc gia nhằm giải quyết tàn dư của chiến tranh có khả năng gây cháy nổ. Quân đội Hoa Kỳ đã làm việc chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam, hướng tới việc tìm kiếm đầy đủ nhất có thể quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong cuộc xung đột Việt Nam. Những nỗ lực hợp tác này đã cho phép chúng tôi tìm kiếm được 645 người Mỹ trước đây bị coi là mất tích trong khi đang thực hiện nghĩa vụ. Chúng tôi đang thăm dò khả năng hợp tác nhằm trợ giúp Việt Nam tìm kiếm người Việt mất tích trong chiến tranh. Sự hợp tác và thành công ban đầu đã mở đường cho rất nhiều các lĩnh vực hợp tác khác mà tôi đã đề cập ở trên.

Trong chuyến viếng thăm Thái Lan hồi tháng 7 năm 2009 để tham dự diễn đàn khu vực ASEAN, Ngoại trưởng Clinton đã gặp gỡ các bộ trưởng ngoại giao thuộc các nước hạ lưu sông Mê Kông, bao gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam nhằm thiết lập Sáng kiến Hạ lưu Mê Kông như một phương tiện để Hoa Kỳ liên kết với khu vực này trong lĩnh vực môi trường, y tế và giáo dục. Việt Nam sẽ cùng với Hoa Kỳ đồng tổ chức Hội nghị về Bệnh truyền nhiễm tại khu vực sông Mê Kông vào tháng tới tại Hà Nội, và sẽ tổ chức Hội nghị bộ trưởng Sáng kiến hạ lưu sông Mê Kông vào tháng 7 này. Trong một vài năm tới, chúng tôi dự định làm việc với Việt Nam và các quốc gia hạ lưu sông Mê Kông để trợ giúp các nước này ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhìn rộng hơn những gì đã đạt được trong 15 năm qua và hướng đến triển vọng của quan hệ hai nước trong những năm tới, tôi tiếp tục thấy tiềm năng to lớn cho việc phát triển hơn nữa quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Tổng thống Obama mới đây đã đặt Việt Nam trong số sáu “thị trường kế tiếp” cùng với Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil trong khuôn khổ Sáng kiến Xuất khẩu Quốc gia mới. Lý do rất rõ ràng: Việt Nam là quốc gia mà Hoa Kỳ trông đợi sẽ có sự tăng trưởng quan trọng và là nơi chúng tôi kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội tuyệt vời cho các công ty Hoa Kỳ và tất nhiên cho cả các công ty của Việt Nam.

Trong mười năm qua, giá trị thương mại hai chiều đã tăng hơn 17 lần. Tôi không tin rằng điều này có thể diễn ra ở một nơi nào khác trong khoảng thời gian đó. Thậm chí trong giai đoạn suy giảm kinh tế toàn cầu năm 2009, xuất khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức 11%. Trong khi đó, xuất khẩu của Hoa Kỳ vào hầu hết các nước ASEAN còn lại đều sụt giảm ở mức hai chữ số. Các số liệu thương mại song phương từ đầu năm đến nay đều rất tích cực. Tôi thấy rằng năm 2010 sẽ là một năm mà kỷ lục về thương mại song phương của chúng ta sẽ tiếp tục được phá vỡ.

Trong trung và dài hạn, tôi thấy rằng quan hệ song phương Việt Nam-Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phát triển trên nền tảng từ thế mạnh này sang thế mạnh khác. Tôi cho rằng các cuộc thảo luận về thương mại và đầu tư đang diễn ra có tiềm năng mở ra thậm chí nhiều hơn nữa các cơ hội cho các công ty của cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ. Đặc biệt, tôi cho rằng các công ty của Hoa Kỳ có thể và sẽ đóng góp một phần thiết yếu trong quá trình Việt Nam xây dựng cơ sở hạ tầng, tìm kiếm sản phẩm, công nghệ và các hệ thống giáo dục nhằm giúp đưa chính mình đạt được và vượt lên trên vị thế của một nước “thu nhập trung bình”.

Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ xác định và theo dõi cái mà chúng tôi gọi là “Những khu vực có triển vọng tốt nhất”. Đây là những khu vực mà chúng tôi biết các công ty Hoa Kỳ có khả năng cạnh tranh, bao gồm: viễn thông, công nghệ thông tin, thăm dò dầu khí, sản xuất điện, xây đường cao tốc, quản lý dự án môi trường và công nghệ môi trường, hàng không. Chỉ trong tháng trước, chúng ta đã chứng kiến việc ký kết thỏa thuận giữa Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và một công ty vệ tinh của Hoa Kỳ về việc thiết kế và xây dựng vệ tinh thương mại thứ hai của Việt Nam trong thời gian hai năm, cũng như việc hoàn tất một thỏa thuận giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, và một công ty sản xuất năng lượng độc lập của Hoa Kỳ (IPP) về việc xây dựng một nhà máy điện công suất 1.100 megaoát tại Quảng Ninh. Mới đây, chúng ta cũng chứng kiến việc ký kết một thỏa thuận quan trọng giữa một công ty dầu khí lớn của Hoa Kỳ và các đối tác từ Việt Nam và các quốc gia khác nhằm triển khai một dự án đường ống dẫn khí ngoài khơi. Năm nay, có thể sẽ có thêm một thỏa thuận nữa trong lĩnh vực năng lượng. Các lĩnh vực khác trong quá trình phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam cũng có rất nhiều tiềm năng.

Tôi cũng phải nói rằng giáo dục Mỹ, đối với chúng tôi là một sản phẩm dịch vụ xuất khẩu của Hoa Kỳ, là lĩnh vực xuất khẩu yêu thích của tôi, do những lợi ích quan trọng và lâu dài mà nó mang lại cho tất cả các đối tượng liên quan. Thách thức chủ yếu cho chúng tôi là làm cho các công ty Mỹ hiểu rằng có vô số cơ hội làm ăn đang chờ đợi họ tại Việt Nam. Đôi khi, cũng cần phải có thời gian để danh tiếng của một nước có thể thu hút được sự chú ý của các lãnh đạo doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Mặt khác, nước Mỹ đã chứng tỏ rằng mình là một mảnh đất của cơ hội cho rất nhiều công ty của Việt Nam. Hãy nhìn vào mức tăng trưởng của xuất khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ trong 10 năm qua. Lợi thế rõ ràng cho các công ty của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau chính là lợi thế về giá cả. Một điều bất lợi cho các công ty của Việt Nam là việc họ có thể không quen thuộc với thị trường Hoa Kỳ như các đối thủ cạnh tranh của mình. Đó là do quan hệ thương mại giữa hai nước còn khá non trẻ. Bên cạnh đó là sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa.

Tôi muốn có một lời khuyên nhỏ chung cho tất cả mọi khu vực kinh doanh: hãy đảm bảo rằng các bạn đáp ứng và vượt lên trên những yêu cầu và mong đợi về chất lượng, cả chính thức cũng như không chính thức, của người tiêu dùng Mỹ. Như chúng ta thấy qua một số trường hợp gần đây ở Trung Quốc và các nơi khác, một quốc gia rất dễ đánh mất hình ảnh tích cực của một thương hiệu nếu xảy ra các vấn đề nghiêm trọng về chất lượng sản phẩm. Giá cả là quan trọng nhưng không nên để mất tầm nhìn về chất lượng. Người tiêu dùng Mỹ cũng coi trọng công ty và doanh nghiệp nào có thể duy trì chất lượng quản trị doanh nghiệp ở mức cao cũng như luôn tìm cách đền đáp cộng đồng và người lao động của mình. Có những lĩnh vực mà Việt Nam có thể tạo ra sự khác biệt hơn nữa cho mình so với các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực.

Quản trị tốt và minh bạch cũng là những lĩnh vực có ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của Việt Nam. Hoa Kỳ đang làm việc với Việt Nam trong các lĩnh vực này thông qua Dự án Hỗ trợ thúc đẩy thương mại (STAR) do Chính phủ Mỹ tài trợ, các chương trình cải cách thuộc Đề án 30 và Sáng kiến năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI). Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, được hợp tác xây dựng cùng VNCI, hiện nay đang là một công cụ đo lường được công nhận rộng rãi về mức độ cải thiện chất lượng quản trị. Kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm nay cho thấy khả năng cạnh tranh của hầu hết các tỉnh thành Việt Nam đều tăng lên so với năm ngoái, cũng như việc chính quyền địa phương đã tiếp tục giảm bớt các rào cản đối với hoạt động khởi nghiệp và tiến hành kinh doanh. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục đầu tư tại các tỉnh thành nơi có môi trường kinh doanh tốt nhất, được hình thành nhờ việc bảo vệ sở hữu trí tuệ nước ngoài và cung cấp một không gian đầu tư cởi mở, minh bạch và hiệu quả.

Không nghi ngờ gì nữa, điều quan trọng nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam cần ghi nhớ là việc tìm kiếm và làm việc với các chuyên gia, những người có thể giúp họ xác định và đánh giá các cơ hội đầu tư, là vô cùng thiết yếu. Tương tự với việc phải có những nỗ lực thích đáng đối với các đối tác tiềm năng của mình. Có nghĩa là các doanh nghiệp cần hiểu và chấp nhận ngay từ đầu rằng điều đó là cần thiết và sẽ rất tốn kém. Nhưng về lâu dài, doanh nghiệp sẽ thấy rằng còn tốn kém hơn nếu như họ cố gắng gia nhập một thị trường lớn và phức tạp như Hoa Kỳ và tìm cách có được các thoả thuận thương mại mà không có sự chỉ dẫn thích hợp. Các doanh nghiệp Việt Nam đang tìm kiếm cơ hội ở Hoa Kỳ cần có sự hướng dẫn chuyên môn ngay từ đầu và cần tìm các đối tác tốt tại thị trường này.

Như vậy, với việc Hoa Kỳ và Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm 15 năm quan hệ ngoại giao hai nước, nhìn lại những gì chúng ta đã đạt được là việc nên làm. Theo tôi, hiện nay mối quan hệ song phương đang ở giai đoạn hiệu quả nhất kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995. Điều này thật tuyệt vời cho mối quan hệ song phương, cho nền kinh tế hai nước, cũng như cho người dân của hai quốc gia vĩ đại của chúng ta.

Tin tức Mỹ

Đăng ký tư vấn

Anh/Chị có bất kỳ thắc mắc về chương trình đầu tư định cư các nước, vui lòng đăng ký vào form bên dưới hoặc liên hệ với công ty USIS, chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận và giải đáp tất cả các câu hỏi của Anh/Chị.

Xin vui lòng liên hệ [email protected] hoặc điện thoại:

Việt Nam: 0909 337 657

Vui lòng để lại thông tin của bạn dưới đây